Năm 2012 lương tối thiểu tăng lên 1,05 triệu đồng

Ngày 1-10, Ủy ban TVQH thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội (KTXH), bên cạnh việc bàn thảo về các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, chỉ số CPI, nợ công… thì thông tin nâng mức lương tối thiểu vào năm tới được nhiều đại biểu quan tâm.

Lương chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu

Phần dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, Chính phủ đề xuất tăng 15,5% chi thường xuyên so với dự toán năm 2011.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhất trí và đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát tổng mức, cơ cấu chi thường xuyên ở từng lĩnh vực, ưu tiên bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình.

Ông Hiển hoàn toàn tán đồng phương án tăng lương tối thiểu lên mức 1,05 triệu đồng năm 2012 và đề nghị phụ cấp công vụ cần nâng ở mức tối thiểu từ 10% đến 25%.

Ông thông tin thêm: Theo tính toán của Bộ Nội vụ, mức lương tối thiểu tính theo nhu cầu tối thiểu năm 2011 là khoảng 1.400.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu chung 830.000 đồng/tháng từ tháng 5-2011 mới chỉ bằng 59,3% mức lương tối thiểu tính theo phương pháp này. Theo đó, đời sống cán bộ công chức ít được cải thiện… Do vậy, một số ý kiến trong Ủy ban đề nghị đưa mức lương tối thiểu lên 1,1 triệu đồng trong năm tới để bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức nhà nước.

Các ý kiến đề nghị Chính phủ có phương án tách bạch giữa công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu để có lộ trình tăng lương cho phù hợp. Từ đó có bước cải cách tích cực hơn về mức nâng lương tối thiểu và phụ cấp công vụ cho đội ngũ công chức nhà nước để bảo đảm đời sống công chức và thu hút lao động trí tuệ cao ở lĩnh vực này.

Năm 2012 lương tối thiểu tăng lên 1,05 triệu đồng ảnh 1

Đời sống cán bộ, công chức sẽ được cải thiện hơn khi được tăng lương tối thiểu. Ảnh: HTD

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng nếu tách lương công chức, viên chức, người nghỉ hưu sẽ càng nặng nề cho ngân sách. Vậy nên Chính phủ vẫn đề nghị giữ mức lương chung cho các đối tượng, cố gắng điều chỉnh bằng phụ cấp công vụ.

Phải có nguồn bổ sung lương cho giáo dục

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi phân tích từ quy định phải dành 40% học phí để tăng lương giáo dục nên hằng năm, khối giáo dục phổ thông phải dành 90%-95% cho con người, chỉ dành được 5%-10% thu đầu tư cho hoạt động chuyên môn, tất yếu chất lượng đào tạo thấp. Vậy nên chuyện “lạm thu” như báo cáo giám sát của Ủy ban TVQH nêu, ông Thi cho rằng “có thể thông cảm” vì các cơ sở giáo dục phải tìm mọi cách bươn chải, chuyện “lách luật” để tăng nguồn thu là… đương nhiên.

10/24 chỉ tiêu không đạt kế hoạch

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch KTXH năm 2006-2010, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu chỉ rõ: Có đến 10/24 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, trong đó chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 7% trong khi chỉ tiêu đề ra là 7,5% đến 8%. Hiệu quả của nền kinh tế giảm so với giai đoạn 2001-2005, hệ số ICOR ngày càng tăng cao. Đáng lo ngại là kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc, lạm phát tăng cao, nợ công và bội chi ở mức cao…

“Đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế tán thành với kịch bản tốc độ tăng trưởng GDP năm năm tới là 7%/năm. Riêng vấn đề lạm phát, nhiều ý kiến đề nghị năm 2012 phải kiểm soát CPI tăng ở mức một con số” - ông Giàu nói.

Tuy nhiên, có ý cho rằng CPI năm 2012 dưới 10% là không khả thi. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nói: “Tôi thấy mấy năm liền CPI năm nào cũng đưa ra rất thấp không đạt được và năm nào cũng phải điều chỉnh. Nợ công cũng vậy. Tôi đề nghị phải đưa ra căn cứ làm rõ. Quan trọng nhất là căn cứ vào thực tiễn và quá trình điều hành KTXH như thế nào chứ không thể đưa ra cảm tính được. Như CPI, chúng ta đưa ra theo ý chí của chúng ta mong muốn nhưng thực tế không đạt được”.

Không tăng danh mục dự án mới trong năm năm tới

Nhận xét về tình hình thực hiện vốn trái phiếu chính phủ (TPCP), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay nhu cầu sử dụng vốn này tăng quá cao so với khả năng cân đối ngân sách và sức chịu đựng của nền kinh tế, đe dọa an ninh tài chính quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, hiện vẫn còn hơn 2.300 dự án và tiểu dự án còn dở dang. Để hoàn thành các dự án này, trong năm năm 2011-2015 cần trên 405.000 tỉ đồng TPCP. Chính phủ đã trình quốc hội dự kiến huy động trong năm năm tới 225.000 tỉ đồng vốn TPCP, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Theo ông Phùng Quốc Hiển, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách thống nhất với mức đề xuất này. Tuy nhiên, các dự án phải đảm bảo bố trí ít nhất 70% vốn và cương quyết không tăng danh mục mới các dự án, công trình. Cạnh đó, nên đưa nguồn vốn TPCP vào trong cân đối ngân sách từ năm 2013 và sớm ban hành Luật Đầu tư công.

T.HẰNG

Báo cáo tình hình KTXH cần phải đánh giá sâu sát hơn ở mặt chủ quan. Đó là những vấn đề trong quản lý, điều hành, chủ trương chính sách, chỉ đạo… Chỉ riêng về mặt quản lý nhà nước hiện nay, phải nói rằng không có chỗ nào là không có vấn đề cả. Từ KTXH, quốc phòng an ninh, đối ngoại…

Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN SINH HÙNG

Nên giữ tốc độ tăng trưởng GDP 7%, có thể đưa xuống 6,5% nhưng đừng thấp hơn 6%. Như vậy mới giải quyết được các vấn đề xã hội, nhất là lao động việc làm. “Nên thay đổi tư duy từ tăng trưởng nhanh, bền vững chuyển sang phát triển bền vững. Vì chung ta chưa đủ điều kiện để thực hiện một lúc hai mục tiêu vừa nhanh, vừa bền vững như vậy. Chúng ta đi vào chiều sâu trong đầu tư chứ không thể đi theo chiều rộng. Cho nên trước hết vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, CPI đưa về một con số, năm sau nữa xuống còn 8% hoặc 7% và giảm xuống mức 5% vào 2015.

Ông PHÙNG QUANG HIỂN,
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm