Nắm chặt tay khi ra khơi

Không đợi đến khi Chính phủ có chủ trương thành lập tổ, đội đánh bắt xa bờ mà từ năm 2004, nhiều địa phương đã tự phát lập nhóm khi ra khơi. Thực tế, nhiều địa phương đã giúp nhau và họ đã chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị để các tổ, đội này “chính quy” hơn, thành “tai mắt” cho lực lượng hải quân, biên phòng bảo vệ biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Giúp nhau sống sót

Sống sót trở về sau cơn bão số 9 năm 2009, đến giờ ngư dân Nguyễn Văn Tàu, chủ tàu cá QNg-5012 ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), vẫn nhớ như in những giây phút kinh hoàng ngoài đại dương khi phải đối mặt với sóng gió cuồn cuộn, sự sống như đèn treo trước gió. Trước bão số 9, tàu của ngư dân Nguyễn Văn Tàu rủ hai tàu cá QNg-95078 của ông Trương Minh Quang và QNg-9540 của ông Nguyễn Tẩn ở cùng địa phương đi biển. Ra đến quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc, chưa kịp đánh bắt thì nghe tin bão tới nên ba tàu cá thông báo cho nhau tìm nơi trú bão. Ba chiếc tàu cá kè kè, vượt qua những trụ sóng cao ngút tìm chỗ trú thân. “Lúc đó anh em chúng tôi quyết bám theo nhau để có tàu nào gặp nạn còn kịp cứu. Đến chiều 28-9-2009, tàu của tôi bị chết máy, ngay lập tức ông Quang quay ngược mũi tàu, tăng tốc chạy đến quăng dây buộc chặt tàu của tôi vào đuôi tàu của ông Quang rồi tiếp tục cuộc hành trình… chạy bão. Khi đó nếu không có tàu của ông Quang tới cứu thì 13 anh em trên tàu của tôi chết chắc vì tàu trôi tự do lại ngay tâm bão…” - ông Tàu xúc động kể. Bão tan, tàu của ông Quang lại kéo tàu ông Tàu về lại quê nhà...

“Thời buổi ngư trường đánh bắt khó khăn và đối mặt với bao nguy hiểm ngoài biển khơi, đi một mình không yên tâm. Có đi biển tôi cũng phải gọi vài tàu cá khác ra khơi cho an toàn” - ông Tàu nói.

Nắm chặt tay khi ra khơi ảnh 1

Cùng ra khơi. Ảnh: ĐÌNH CƯỜNG

Không chỉ giúp nhau trong bão dữ, các tổ, đội còn đứng cạnh nhau khi bị tàu lạ tông chìm. Chẳng hạn khi tàu QNg-2203 của ông Đặng Nam ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa bị tàu lạ tông chìm. Chín ngư dân trên tàu đang đối mặt với cái chết thì được tàu cá QNg-2416 của ngư dân Huỳnh Bẻo ở cùng địa phương chạy đến cứu sống. Hay vào tháng 5-2009, tàu cá của ông Nguyễn Thanh Thu (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng bị tàu lạ tông chìm rồi bỏ mặc. Tàu ông Thu được tàu bạn đánh bắt bên cạnh kịp thời cứu sống cả 26 ngư dân đưa về đất liền an toàn. “Gọi nhau cùng ra khơi có nhiều cái lợi như có thể cứu nhau khi tàu cạnh mình gặp nạn, san sẻ gạo, mắm, nhiên liệu… Cùng đánh bắt chung là cùng sống” - một ngư dân ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ bộc bạch.

Và canh giữ vùng biển

Chưa đầy 10 phút sau cuộc điện thoại của Trung tá Bùi Văn Hòa, Đồn trưởng Đồn biên phòng Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), gần 10 thành viên thuộc hai tổ tàu thuyền an toàn ở địa phương này đã có mặt tại bến tàu. Những ngư dân này nhanh nhẹn xuống tàu nổ máy đưa các chiến sĩ biên phòng cùng những ngư dân ra khơi xa. Đây là hình ảnh thường thấy của các tổ tàu thuyền an toàn để kiểm soát các tàu lạ đi ngang vùng biển phía bắc thị xã Sông Cầu.

Ngư dân Trần Văn Lâm chia sẻ: “Từ ngày tham gia tổ tàu thuyền an toàn, mỗi lần ra khơi chúng tôi luôn có bạn đồng hành, vững tâm hơn khi bám biển nên đánh bắt hiệu quả hơn”. Ông Lâm cho biết thêm, trước mỗi chuyến biển, các thành viên trong tổ cùng bàn bạc, thảo luận, phân công từng phương tiện đi theo nhóm. Ra khơi, nếu tàu nào phát hiện có luồng cá thì lập tức lên máy bộ đàm báo tin để các thành viên trong tổ tập trung đến đánh bắt. Nhờ thế, hầu hết các chuyến biển của tàu thuyền trong tổ đều no cá.

13.000 tàu, thuyền đã lập khoảng 2.000 tổ, đội sản xuất trên các vùng biển xa bờ với cả chục ngàn ngư dân tham gia.

Ông Nguyễn Văn Thắm, Tổ trưởng Tổ tàu thuyền có 10 thành viên ở thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, bày tỏ: “Mỗi lần ra khơi là mỗi lần chúng tôi phải đối mặt với đầy những bất trắc, nhất là gần đây thường xuyên xuất hiện nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm ngư trường trái phép, đe dọa ngư dân. Từ khi đi đánh bắt theo tổ, bà con không còn cảm giác đơn độc, lẻ loi mà sẵn sàng hợp sức lại để đối phó, xua đuổi lại tàu Trung Quốc”. Ông Lê Văn Hay, một “thủ lĩnh” Tổ tàu thuyền an toàn ở thôn Phú Thọ 3, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa (Phú Yên), kể: “Một lần, thấy chúng tôi vừa tìm được luồng cá, cả đoàn tàu cá Trung Quốc lao đến tranh giành. Chúng tôi liền liên lạc với các tổ trưởng, ngay lập tức hơn 40 tàu giương cờ Việt Nam ầm ầm kéo đến. Thấy vậy, đoàn tàu cá Trung Quốc phải bỏ đi”.

“Từ ngày thường xuyên bị các tàu cá Trung Quốc hăm dọa, bà con chúng tôi muốn được lực lượng chức năng tập huấn các kỹ năng ứng phó để có thể chống trả lại các hành vi khiêu khích. Nếu được hướng dẫn, trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết, chúng tôi cũng sẵn sàng trở thành những chiến sĩ trên biển để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc” - ông Bùi Thành, thành viên Tổ tàu thuyền an toàn thôn Phú Thọ 3, nói.

Từ khi tình hình biển Đông phức tạp, chúng tôi đã yêu cầu các đồn biên phòng củng cố hoạt động 100 tổ tàu, thuyền hiện có trong tỉnh để bà con vừa tương trợ, đoàn kết ứng phó các tình huống bất trắc, vừa phát huy vai trò nòng cốt trong việc hỗ trợ bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển. Chúng tôi cũng đang đề xuất Nhà nước có hỗ trợ tích cực hơn về nhiều mặt với mô hình này.

Đại tá NGUYỄN TRỌNG HUYỀN, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên

Hiện đi biển có nhiều bất ổn, rủi ro nên mỗi khi ra khơi, chúng tôi rủ thêm tàu của anh em trong làng cùng đi để an tâm hơn khi đánh bắt, lỡ gặp những chuyện xấu trên biển thì còn có thể giúp được nhau mà thoát nạn trở về.

Ngư dân NGUYỄN NAM, xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Sau nhiều chuyến đánh bắt thành từng nhóm chung, tôi thấy rất có hiệu quả. Chỗ nào có nhiều hải sản anh em gọi các tàu trong tổ đến khai thác nên ăn nên làm ra, mùa mưa bão có gì cũng kịp thời hỗ trợ lẫn nhau. Phải đoàn kết như thế mới sống, mới bám biển lâu dài được.

Ngư dân TRƯƠNG ĐÌNH NHÂN, chủ tàu cá QNg-96211

T.LỘC - L.NGỮ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm