Nên cấm tiệt rượu, bia khi lái xe

Tuy nhiên, UBTVQH lại đồng tình với quy định tại dự án luật. Cụ thể, dự luật chỉ nghiêm cấm sử dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng. Còn đối với người điểu khiển xe môtô, xe gắn máy thì chỉ cấm khi trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở.

“Quy định nồng độ cồn trong máu vượt quá bao nhiêu mới cấm sẽ rất tốn kém khi phải trang bị công cụ đo nồng độ cồn, bởi một chiếc máy như vậy đã có giá khoảng 800 ngàn đồng” - đại biểu Võ Văn Đủ (Dăk Nông) lập luận. Đại biểu Trần Bá Triều (Hải Phòng) bổ sung thêm: Quy định như dự luật có nghĩa là vẫn khuyến khích một bộ phận lớn những người điều khiển phương tiện ôtô, xe máy uống rượu. Bởi có ai ngồi vào bàn rượu mà chỉ uống đến ngưỡng đấy rồi về cho an toàn đâu! Thậm chí đại biểu Võ Tiến Trung (Phú Yên) còn đề nghị cấm người say rượu không được tham gia giao thông, kể cả... đi bộ hay đi xe đạp. “Khá nhiều tai nạn xảy ra do người điều khiển cố tránh những đối tượng này” - ông Trung dẫn chứng.

Dự luật yêu cầu người ngồi trên xe máy phải đội mũ bảo hiểm “bảo đảm tiêu chuẩn”. Không đồng tình với quy định này, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cho rằng quản lý, cho lưu hành mũ bảo hiểm đủ tiêu chuẩn là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. “Không thể phạt người dân chỉ vì người ta trót mua và sử dụng mũ bảo hiểm trôi nổi, kém chất lượng trên thị trường” - ông Tuân nhấn mạnh.

Đại biểu Ngô Minh Hồng (TP.HCM) cho rằng cùng loại ôtô mà lại phân ra hai loại bằng là không đúng tinh thần cải cách hành chính. Chẳng hạn, cùng điều khiển loại xe ôtô chở người đến chín chỗ ngồi nhưng nếu không hành nghề lái xe kiếm sống thì chỉ phải lấy bằng B1, nếu lái phương tiện này như một nghề kiếm sống thì phải lấy bằng B2. “Hàng ngày tôi vẫn điều khiển xe như vậy, tại sao lại buộc tôi muốn lái xe kiếm tiền phải đổi bằng?!” - bà Hồng đặt vấn đề.

ĐỨC MINH - NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm