Nghi thức quốc tang từ nhân dân

“Lúc nãy dừng ở đèn đỏ, tôi nghe người đi xe máy kế bên hỏi người bên cạnh: “Đi viếng ông Giáp chưa?”. Họ coi đó như chuyện cần làm. Có mặt ở đây mới biết tình cảm của người dân dành cho Đại tướng là quá lớn và rất thật” - ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, chia sẻ cảm nhận của mình trong lễ viếng Đại tướng ở Hội trường Thống Nhất.

Theo thông báo, lễ viếng Đại tướng tại đây bắt đầu từ 7 giờ 30 và kết thúc lúc 21 giờ ngày 12-10. Thế nhưng mới 5 giờ sáng đã có người dân đầu tiên xin vào. Trong ngày, lượng người đến quá đông nên ban tổ chức quyết định còn một người viếng cũng mở cửa. Người cuối cùng đến viếng Đại tướng lúc 0 giờ 15 phút ngày hôm sau là một anh công nhân. Trên đường tan ca về, anh đến đây thắp nhang và không kìm được nước mắt. Ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT&DL TP, thành viên ban tổ chức lễ tang, cho biết những người có mặt đã lặng người khi nhìn anh công nhân khóc như vừa mất đi một người thân...

Nghi thức quốc tang từ nhân dân ảnh 1

Trong lễ truy điệu sáng 13-10 tại Hội trường Thống Nhất, nhiều giọt nước mắt tiễn biệt đã rơi. Khi ban tổ chức thông báo lễ truy điệu kết thúc, dòng người không ra về như thông lệ mà lại đi ngược vào phía hội trường nơi để bàn thờ Đại tướng. Có một vài nén nhang ai đó để trên bàn phía sau hội trường. Mọi người chuyền tay nhau mỗi người một cây vào thắp. Khi hội trường đã chật kín người, không ai bảo ai, hàng người đầu tiên đứng trước bàn thờ Đại tướng tự động quỳ gối vái ba vái tiễn biệt rồi lui ra. Hàng phía sau tiến lên một bước rồi làm nghi thức tương tự để nhường chỗ cho người phía sau được bước lên tiễn biệt Đại tướng.

Trong dòng người đó có những tiến sĩ, giáo sư, anh lính hải quân, chị tiểu thương, người tu sĩ, em học sinh… Họ không quen biết nhau nhưng cùng làm một nghi thức có lẽ chưa từng có trong đời. Bà Tâm ngày hôm qua đã đưa cả gia đình đến đây nhưng vì cậu con trai bận học nên hôm nay bà tiếp tục đưa con đến viếng. Bà nói rằng đi để cháu nó biết ơn một người mang lại hòa bình cho đất nước, nói lên tiếng lòng dân và để cháu nó biết về một nghi thức quốc tang của dân tộc. TS Lê Tiến Châu, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp, đứng lặng thật lâu trước di ảnh. Ông tâm sự: “Trong nỗi mất mát chung của dân tộc, tôi nhắm mắt tưởng nhớ lại những công lao của vị anh hùng tài ba. Chính những lúc này người ta mới xích lại gần nhau, soi rọi bản thân mình, không vị kỷ cá nhân, đừng chỉ biết lo vun vén cho bản thân, sống sao cho xứng đáng với mong mỏi của Đại tướng và những người đi trước”.

12 giờ trưa 13-10, bát nhang và di ảnh của Đại tướng được di chuyển về Bảo tàng Miền Đông Nam Bộ. Bên phòng ghi sổ tang, 32 cuốn sổ tang đã gần đầy kín. Nhiều người vẫn còn chờ để viết vào sổ tang. “Cả đời tôi chưa thấy một quốc tang nào đặc biệt thế này. Không có linh cữu tại lễ tang nhưng những xúc động lại rất thật, từ lâu trong lòng người dân đã có Đại tướng rồi” - một thành viên ban tổ chức nói.

Không riêng TP.HCM, ở khắp nơi đã có những nghi thức rất riêng tiễn đưa Đại tướng. Tại Nhà tang lễ Quốc gia, người dân xếp hàng xuyên đêm để viếng. Ở Phú Yên, một cụ ông 103 tuổi đã lập bàn thờ Đại tướng trong phòng bệnh của mình. Những người nông dân Bố Trạch, Quảng Bình đã hát bài đưa linh tri ân và tiễn đưa linh hồn ông về đất mẹ…

Quốc tang Đại tướng đã được người dân làm nên bằng những nghi thức rất riêng, sẽ không tìm thấy trong bất kỳ quy định thành văn nào. Đã lâu rồi mới thấy tình dân tộc, sự tưởng nhớ người đi trước thổn thức, xúc động dâng trào đến vậy. Làm sao để nuôi dưỡng sức mạnh nhân dân ấy khi lễ tang qua đi và chúng ta quay về với thực tại? Đó là câu hỏi mà mỗi chúng ta phải tìm cách trả lời, vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

T.MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm