Nghĩ về sự thống nhất của quyền lực nhà nước

Cụ thể, sau khi giám đốc Sở VH-TT&DL TP Hà Nội thu hồi giấy phép biểu diễn (do đơn vị tổ chức sai phạm về quảng cáo), cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn lại cấp phép cho đêm diễn này (dĩ nhiên là chủ thể khác nhưng mọi nội dung khác… vẫn như cũ). Vị cục trưởng còn bảo đơn vị tổ chức sai thì đã bị phạt song ca sĩ và… khán giả không sai nên phải cấp (sai đến đâu, xử đến đấy)!

Theo luật thì cả hai ông này đều có quyền (cấp phép) và lập luận cho các quyết định của họ đều… có căn cứ. Chỉ có ca sĩ và khán giả là chẳng hiểu gì cả, thậm chí lại thấy buồn cười khi các quan chức nói qua nói lại trên báo.

Đỉnh điểm của sự “chênh” quyền lực này là việc sát ngày biểu diễn, giám đốc Sở VH-TT&DL TP Hà Nội đã lại gửi công văn khẩn cấp đến cấp trên để báo cáo! Theo tường thuật của báo chí, văn bản này nói rõ lý do báo cáo là “để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tính hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước” và mục tiêu của Sở là “ngăn chặn, phòng ngừa những diễn biến phức tạp có thể xảy ra đối với khán giả mua vé xem biểu diễn”.

Thế là rõ, cả Sở và Cục đều có điểm chung là bảo vệ khán giả!

Song cách “bảo vệ” lại khác nhau. Ông giám đốc Sở thì “đặc biệt đề nghị công an và cơ quan truyền thông phối hợp để thông tin đến quần chúng nhân dân và kiên quyết ngăn chặn”, trong khi ông cục trưởng thì bảo vệ theo cách người sai thì đã bị xử lý, không thể làm tổn thương… khán giả và ca sĩ bằng cách để đêm diễn được tiến hành!

Người ta thường bảo quyền lực nhà nước là phải thống nhất, Việt Nam càng quán triệt quan điểm đó. Thực tế quản lý nhà nước gần đây cũng có những tranh cãi lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý, như chuyện thu hồi một cuốn sách, đình chỉ một trò chơi game… song bất nhất giữa các đơn vị cùng ngành về cùng một việc đến mức lôi truyền thông và công an “vào cuộc” thì quả là những tiền lệ nguy hiểm.

Bởi sau những cuộc cãi vã đó lại thấy quyền lực… không thống nhất và người dân biết tin ai?!

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm