Ngư dân thành “tai mắt” cho biên phòng, hải quân

Các tổ, đội hoạt động theo hình thức tự nguyện, hỗ trợ vốn sản xuất; cứu nạn khi gặp rủi ro; cung cấp thông tin về ngư trường và xua đuổi những tàu thuyền lạ xâm phạm vào vùng biển nước ta.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã có nhiều kiến nghị như ưu tiên gắn thiết bị kết nối vệ tinh cho tàu tổ trưởng; hỗ trợ kinh phí để mua máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF có tích hợp định vị vệ tinh (GPS); hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình cho tổ trưởng; đầu tư, xây dựng, nâng cấp các khu neo đậu cho tàu thuyền, hình thành một số cơ sở dịch vụ hậu cần trên biển để hỗ trợ ngư dân…

Nhiều địa phương trao đổi kinh nghiệm như tổ, đội góp vốn đóng tàu vận chuyển sản phẩm vào bờ, thành lập câu lạc bộ vợ thuyền trưởng để tổ chức tiêu thụ sản phẩm, cung ứng hậu cần dịch vụ. Đại diện tỉnh Quảng Ngãi cho biết tàu cá của tỉnh này hoạt động khắp các ngư trường. Việc thành lập tổ, đội dựa trên nguyên tắc “ba cùng”: cùng địa phương, cùng ngành nghề và cùng ngư trường khai thác. Các tổ, đội đã cung cấp hơn 1.000 nguồn tin giúp cơ quan chức năng đấu tranh, xử lý 719 vụ/1.043 người vi phạm pháp luật. Tổ chức 75 đợt/90 phương tiện với hơn 500 lượt người tham gia tuần tra kiểm soát và đã truy đuổi hàng trăm tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải của Tổ quốc.

Tỉnh Bình Thuận cũng thông tin trong các tổ đội có 82 thuyền với gần 1.000 lao động đăng ký sẵn sàng đấu tranh bảo vệ chủ quyền… Đà Nẵng thì cho hay năm năm qua, các tổ, đội đã cung cấp gần 2.000 nguồn tin phục vụ cho công tác bảo vệ chủ quyền và tìm kiếm cứu nạn…

“Toàn bộ kết quả, kiến nghị sẽ được Bộ NN&PTNT tổng hợp trình Chính phủ để hàng chục ngàn ngư dân vươn ra khơi làm giàu và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm