Người không hại 3.000 tù Côn Đảo

Đại úy Kiều Văn Dậu, Trưởng Ban hành quân, bảo vệ của Côn Đảo, đã băn khoăn như thế trong ngày Sài Gòn giải phóng, khi ông là người có cấp bậc cao nhất của chính quyền cũ còn ở lại đảo và cầm trong tay chìa khóa nhà tù.

Bộ chìa khóa và 3.000 tù nhân

Đã mấy tuần cuối tháng 4-1975, ngoài phố thì xôn xao về cuộc tiến công của quân giải phóng nhưng trong các trại giam tù chính trị ở Côn Đảo vẫn im lìm.

Bà con ở ngoài phố cũng rất lạ, bởi mọi lần khi bên ngoài đánh mạnh thì trong tù các anh em đều biết, truyền tin cho nhau hoặc ca hát ầm ĩ. Thế mà mấy tháng nay, ở bên ngoài quân giải phóng đánh lớn, liên tiếp giải phóng từ Tây Nguyên đến miền Trung mà trong tù vẫn im re.

Đảng ủy nhà tù cũng không có tin tức gì do nội bộ thu thập. Lý do: Chiếc radio tự lắp do Bùi Văn Toản ở trại 6 phụ trách theo dõi tin tức hằng ngày đã không còn hoạt động! Hằng ngày, Toản nghe tin xong lại nhét vào một góc tường để giữ bí mật. Đầu tháng Giêng, anh nghe được tin giải phóng Phước Long đã thông tin kịp thời cho Đảng ủy. Bất ngờ, một buổi sáng sau đó địch ra lệnh chuyển trại. Khi đi, trước mặt bọn cai ngục không ai dám đào radio đem theo. Thế là từ đó cả trại giam Côn Đảo không còn tin tức gì nữa…

Quân giải phóng đã tiến sát Sài Gòn thì cũng là lúc bộ máy cai trị Côn Đảo cùng đám cai ngục ác ôn bỏ chạy. Đứa leo máy bay, đứa lên tàu, canô tháo chạy về Sài Gòn hoặc di tản. Tỉnh trưởng Côn Đảo là Trung tá Lưu Hữu Phương cũng đã bỏ chạy. Lúc này ở Côn Đảo chỉ còn người có cấp hàm cao nhất là Đại úy Kiều Văn Dậu, Trưởng Ban hành quân, bảo vệ. Khi bỏ chạy, bộ máy chỉ huy đảo cũng bỏ lại cho ông Kiều Văn Dậu hơn hàng ngàn chiếc chìa khóa các trại giam. Cấp trên của ông cũng không kịp dặn là giết hay thả hơn 3.000 tù Côn Đảo mà chỉ ném đống chìa khóa lại để tùy ông xử lý.

Người không hại 3.000 tù Côn Đảo ảnh 1

Một góc thị trấn Côn Đảo ngày nay. Ảnh: ĐỨC HIỂN

Ông Kiều Văn Dậu hoang mang trước đống chìa khóa nhà tù và câu hỏi: Làm gì với 3.000 người này, trong đó phần lớn là tù chính trị và có cả quân phạm.

Lời dạy của vị linh mục

Ông Kiều Văn Dậu quê ở Nam Định, sinh năm 1927, năm 1954 theo gia đình vào miền Nam. Năm 1958, ông được chuyển ra làm việc ở Côn Đảo. Ông cùng gia đình ở 33 Nguyễn Huệ. Ông bà có 10 người con, nay chỉ còn tám người. Ông làm lính bảo vệ Côn Đảo, còn bà thì buôn bán lặt vặt để nuôi con. Vốn là một người lính hiền lành, hết lòng lo cho vợ con, ông Kiều Văn Dậu xa lánh bọn cai tù ác ôn, có quan hệ tốt với những người tù được ra ngoài làm việc, dạy học. Các con ông cũng được thầy giáo là tù Côn Đảo Nguyễn Xuân Huy dạy dỗ (anh Huy sau này là phó tổng biên tập báo Khoa Học và Đời Sống).

Cũng đã có đôi lần ông Kiều Văn Dậu bị điều động về bảo vệ nhà lao Chí Hòa nhưng ông tìm cách lo lót, chạy chọt để trở lại nhà tù Côn Đảo. Ông tâm sự: "Vợ con tôi đều ở Côn Đảo. Hơn nữa, có lẽ Côn Đảo là nơi thanh bình nhất ở miền Nam vì không có bom đạn Mỹ, không có các trận đánh của quân giải phóng. Chúng tôi lo gác các nhà tù, không đụng chạm đến việc đàn áp các người tù nên cũng không có gây hấn gì với anh em trong tù".

Ông theo dõi khá chặt đường tiến quân của quân giải phóng và biết chắc chắn giờ phút cuối cùng của quân đội và chính quyền Sài Gòn đã đến. Ông không bỏ chạy như sĩ quan khác bởi vợ con ông đang ở đây và ông tin rằng khi quân giải phóng đến đảo, ông không có tội gì để bị trừng phạt. Nhưng điều quan trọng nhất là quản lý hơn 3.000 tù ở đây ra sao.

Vừa lúc đó ông chưa bao giờ nghĩ đến việc giết họ bởi ông không có thù oán gì. Nhưng ông sẽ làm gì với họ và nếu như họ phá được tù thoát ra ngoài, họ có thể giết hại cả nhà ông?

Ông được tin: Linh mục Phạm Gia Thụy, người coi sóc con chiên ở Côn Đảo lại vừa từ Sài Gòn ra Côn Đảo sáng 29-4-1975. Sao ông ta không bỏ chạy mà lại ra đây? Ông sợ bom đạn Sài Gòn, sợ bạn bè lôi kéo ông bỏ tổ quốc hay vì trách nhiệm với con chiên Côn Đảo trước giờ phút nghiêm trọng này?

Bà con giáo dân ở Côn Đảo - trong đó có gia đình ông Kiều Văn Dậu đều kính nể và yêu quý cha Thụy. Ngoài giờ làm lễ và thăm giáo dân, cha Thụy thường theo nhân viên đi đánh cá, câu lưới. Không phải thiếu tiền nhưng linh mục muốn có chút đỉnh tiền để mua thuốc giúp cho những tù nhân đau yếu nặng. Tấm lòng của linh mục được anh em tù yêu mến và cai tù thán phục.

Ông Kiều Văn Dậu đến nhà thờ gặp cha Thụy. Ông trình bày hết lòng mình và xin cha lời khuyên dạy. Linh mục Phạm Gia Thụy ôn tồn nói với ông: Nếu ông không có ác ý thì đừng giết họ. Phải tìm cách thả họ ra…

Người không hại 3.000 tù Côn Đảo ảnh 2

Ông Kiều Văn Dậu.

Từ đại úy chế độ Sài Gòn đến phó chủ tịch Ủy ban Quân quản

Trưa 30-4-1975, ông Dậu nghe radio, biết tin Sài Gòn đã lọt vào tay quân giải phóng. Ông xuống trại giam báo tin vui cho anh em tù. Những người tù không tin, họ đã nói nặng với ông: "Đã mấy lần rồi các ông phao tin vịt, khi chúng tôi reo mừng thì lấy cớ đàn áp. Đừng bày trò đó ra nữa!"

Ông Dậu phân trần rằng: ông không phải cai tù mà chỉ là người chỉ huy lính canh gác bên ngoài, ông không hề lừa gạt anh em. Thấy họ vẫn không tin, ông Kiều Văn Dậu trở về phòng kêu người lái xe đem một chiếc radio xuống trại giam cùng hơn 300 chiếc chìa khóa, trong đó có cả chìa khóa kho súng của đảo.

Anh em tù hò reo khi được tin Sài Gòn giải phóng. Từ trại giam đầu tiên, sau đó tất cả trại đều được mở cửa. Cả Côn Đảo tràn ngập tiếng reo hò và cờ. Nhân dân Côn Đảo cũng hòa vào niềm vui của những tù chính trị.

Đảng ủy Côn Đảo họp, quyết định khởi nghĩa giành chính quyền về tay cách mạng. Để ổn định tình hình chờ đất liền ra tiếp quản đảo, sáng 1-5-1975, Đảng ủy nhà tù đã quyết định thành lập Ủy ban Quân quản Côn Đảo.

Linh mục Phan Gia Thụy được mời làm chủ tịch.

Đại úy Kiều Văn Dậu được mời làm phó chủ tịch phụ trách công tác bảo vệ.

Trung tá Lê Câu (tù chính trị) được giao làm phó chủ tịch phụ trách tổ chức tù chính trị và ổn định tư tưởng.

Năm nay ông Kiều Văn Dậu đã 83 tuổi, sức khỏe yếu phải ngồi xe lăn, đã hơi lẫn. Riêng linh mục Phạm Gia Thụy cũng đã ngoài 80 tuổi nhưng còn minh mẫn, vẫn giảng đạo đọc kinh, song không muốn kể chuyện của mình…

Ông Dậu rất vui vì được cách mạng tin tưởng, giao công việc. Ông cho đi tuần tra, ngăn chặn nạn cướp bóc, bảo vệ tài sản của dân. Sáng 5-5-1975, một số lính Sài Gòn do phạm tội hãm hiếp, giết người bị giam ở đây, khi được ta thả ra đã tổ chức cướp đồ đạc của dân. Ông Dậu dẫn lực lượng vũ trang đến bao vây, nổ súng cảnh cáo, buộc chúng phải ngưng cướp phá.

Vợ ông Dậu là một phụ nữ hiền lành, được bà con khu phố bầu vào ban chấp hành phụ nữ. Bà cùng chị em xây dựng tinh thần đoàn kết trong bà con ít ỏi của thị trấn Côn Đảo.

Cho đến sau ngày 5-5-1975, từ đất liền đã cử các đoàn tàu ra Côn Đảo thiết lập chính quyền cách mạng và đưa tù chính trị trở về đất liền. Ông Dậu trở lại cuộc sống bình thường cùng con cháu. Năm 1980, khi đoàn tàu đánh cá Côn Đảo ra đời, ông Năm Ve, Giám đốc, đã mời ông Dậu về làm kế toán trưởng. Ông Năm Ve cũng kiếm nhà cấp cho vợ con ông về đất liền để sinh sống. Sau này khi đoàn tàu đánh cá Côn Đảo ngưng hoạt động, ông Dậu và gia đình về Sài Gòn mua nhà ở một khu phố nhỏ…

ĐINH PHONG (Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm