Người thành phố với người “nhà quê”

Cứ giả dụ “kịch bản” ấy diễn ra thật thì không chỉ “là lạ” và “hoang mang”, mà là hoảng hốt nháo nhào đi tìm phương cách cứu nguy.

Đến giờ đi làm, ông bố và bà mẹ trẻ cuống lên không biết gửi bé cho ai bây giờ. Mà bé thì quen hơi bén tiếng của cô giúp việc vẫn hàng ngày quấn quýt, nay cứ gào tướng lên đòi cô bế. Bà cụ hàng xóm cứ sáng sớm quen đi bộ tập thể dục về là tranh thủ “đi chợ” ngay trong chung cư, nơi chị bán hàng thực phẩm tươi sống theo “đơn đặt hàng” từ hôm trước. Mùa nào thức ấy, khách quen đặt hàng nhỡ có thiếu tiền cứ việc lấy cá, thịt, rau, dưa vui vẻ mang về “hạ hồi phân giải”. Những tiếng rao “Bắp đây!”, “Bánh chưng, bánh giò đây!” từ sáng sớm cho tận đêm khuya nghe quen đến độ có hôm không nghe tiếng rao đã nhiều người ngóng tìm, thắc mắc “Sao hôm nay không thấy”!

Cứ thế, cuộc sống cứ trôi đi trong nhịp điệu vốn có tự nhiên, chỉ đến khi có sự hẫng hụt bối rối vừa nói, người ta bỗng nhận ra một sự thật: Hóa ra “những khách không mời mà đến” từ quê ấy lại là một bộ phận của cơ thể sống đô thị. Song liệu có mấy ai, nhất là những người đang bận rộn với công cuộc “hiện đại hóa” và tô điểm cho “văn minh đô thị” còn đủ sức cảm thông, chia sẻ với những thân phận sớm khuya tần tảo, gánh trên đôi vai của mình cả cuộc sống gia đình nghèo.

Hãy tạm gạt ra ngoài lối suy nghĩ tàn nhẫn, bạc bẽo và thất nhân tâm “Đô thị hôm nay là để cho những người có tiền sống và những người nghèo ở muôn phương xin đừng về đây kiếm ăn làm nhếch nhác cái đô thị này” mà một tờ báo đã trích đăng. Hãy chỉ nghĩ xem, sự hụt hẫng do “kịch bản” nêu trên diễn ra thật thì đó là một bất hạnh lớn cho cả người thành phố, cả người “nhà quê”. Mà liệu mấy ai trong chúng ta không có gốc gác từ “nhà quê” nhỉ?

Nông dân trĩu trên vai mình gánh nặng nhất của sự nghiệp dựng nước và giữ nước, điều ấy khỏi nhắc lại. Cuối năm 1980 với sự sụp đổ của Liên Xô và phe XHCN, rồi cuối 1990 với khủng hoảng tài chính Đông Nam Á, sản xuất công nghiệp, dịch vụ đều sa sút, có lúc tăng trưởng âm. Chỉ nhờ nông dân kiên cường và nhẫn nại trên mặt trận nông nghiệp phát triển mới cứu được cho cả nền kinh tế. Nông thôn và nông dân khởi động sự nghiệp đổi mới nhưng thành quả của đổi mới thì thành thị hưởng phần lớn, nông thôn chẳng nhận được bao nhiêu. Đẩy mạnh công nghiệp hóa thì nông dân lại nhận lãnh những vấn nạn của chuyện “mất đất”, chuyện “chuyển đổi mục đích sử dụng” biến ruộng lúa thành sân golf , khu công nghiệp và các khu biệt thự cao cấp!

Xin thâu tóm lại “mười cái nhất” của người nông dân: Cống hiến nhiều nhất. Hy sinh lớn nhất. Hưởng thụ ít nhất. Được giúp kém nhất. Bị đè nén thảm nhất. Bị tước đoạt nặng nhất. Cam chịu lâu dài nhất. Tha thứ cao cả nhất. Thích nghi tài giỏi nhất. Năng động khôn ngoan nhất.

Người thành phố nghĩ sao?

TƯƠNG LAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm