XÂY DỰNG PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN CON NGƯỜI:

Nhà nước nhận phần khó để dân được thuận lợi

Báo Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu quan điểm của nhóm nghiên cứu về thể chế bộ máy nhà nước và bảo vệ quyền con người do GS-TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, làm trưởng nhóm.

Theo GS-TS Trần Ngọc Đường, vấn đề quyền con người được quy định trong Hiến pháp còn chưa rõ ràng và so sánh với đòi hỏi của Nghị quyết 48 thì còn nhiều tồn tại như quyền biểu tình, lập hội, tiếp cận thông tin, giữ bí mật đời tư chưa được quy định rõ; pháp luật về dân chủ trực tiếp còn chậm và hạn chế; pháp luật về quyền con người còn hình thức, chưa đi vào thực tế...

Một tiêu chí của nhà nước pháp quyền

. Phóng viên: Thưa, ông có nói vấn đề pháp luật về quyền con người chưa được quan tâm là do người dân chưa bức xúc. Nhưng có phải còn vì một nguyên nhân khác là có tâm lý nếu quy định quyền này rộng quá thì sẽ khó kiểm soát?

+ GS-TS Trần Ngọc Đường: Không phải. Do nhà nước chưa nhận thức đầy đủ việc phát huy yếu tố con người và nhà nước cũng chưa có bức xúc về vấn đề này. Bên cạnh đó, sức ép xã hội chưa mạnh mẽ do dân ta chưa qua nền dân chủ tư sản, trình độ dân trí, văn hóa còn thấp nên cũng chưa thấy thật sự bức xúc việc phải có luật đó để thúc đẩy nhà nước phải ra luật đó.

. Việc người dân còn xa lạ với các quyền này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của xã hội và việc xây dựng nhà nước pháp quyền?

+ Hiện tại thì chưa ảnh hưởng gì cả, ví dụ như nhu cầu tiếp cận thông tin là vấn đề bức xúc của xã hội trong điều kiện thông tin phát triển như vũ bão. Nhưng đó cũng chỉ là với một số người thôi chứ không phải tất cả. Nếu như xã hội bức xúc thật sự thì cơ quan nhà nước phải làm liền.

. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có liên quan như thế nào với vấn đề xây dựng pháp luật về quyền con người, thưa ông?

+ Hai cái này có quan hệ với nhau rất chặt chẽ bởi vì một trong những tiêu chí của nhà nước pháp quyền là tôn trọng và đề cao quyền con người và quyền công dân trong mối quan hệ với nhà nước. Đó là tiêu chí để đánh giá nhà nước đó pháp quyền hay không pháp quyền. Nó thể hiện các quyền con người, quyền công dân có được thực hiện trong thực tế hay không là nhờ các quy định pháp luật.

Nhà nước nhận phần khó để dân được thuận lợi ảnh 1

Hiện nay, người dân còn chưa bình đẳng trong mối quan hệ hành chính với nhà nước. Ảnh: HTD

Dân còn vất vả với nhà nước

. Vậy cơ chế bình đẳng giữa quyền lực nhà nước và nhân dân được thể hiện như thế nào, thưa ông?

+ Dấu hiệu quan trọng nhất là giữa quyền con người và quyền công dân phải có sự bình đẳng. Tức là nhà nước một mặt phải bảo vệ quyền con người và quyền công dân nhưng mặt khác công dân cũng phải có nghĩa vụ thực hiện những điều mà nhà nước quy định. Để tạo lập sự bình đẳng thì khi công dân có quyền thì nhà nước có nghĩa vụ và ngược lại. Hiện nay trong một số mối quan hệ cụ thể chưa tạo ra sự bình đẳng. Ví dụ người dân còn vất vả trong mối quan hệ với nhà nước như quan hệ hành chính; hay nhân viên nhà nước có thẩm quyền mà xâm hại đến lợi ích công dân thì công dân đi kiện khó khăn lắm. Trong khi ngược lại, nếu công dân vi phạm quyền lợi nhà nước thì nhà nước có hẳn một bộ máy đảm bảo việc thực hiện tốt hơn, dễ dàng hơn...

. Để khắc phục sự không bình đẳng trên theo ông cần phải làm gì?

+ Phải tạo lập một môi trường pháp lý thuận lợi hơn. Tức là pháp luật phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong mối quan hệ với nhà nước, thủ tục phải thuận lợi cho người dân và nhà nước nên nhận phần khó về mình, đề cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

. Ông cũng có nhận xét rằng pháp luật về quyền con người còn hình thức và chưa đi vào thực tế. Vậy làm sao để pháp luật về quyền con người thực sự đi vào thực tế?

+ Phải tạo quyền trực tiếp của người dân tham gia vào quản lý nhà nước vì hiện chưa có cơ chế để người dân được tham gia thực chất. Cần xây dựng luật trưng cầu dân ý, luật tham vấn và phản biện xã hội. Hiện một số luật có quy định người dân tham gia như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định các công đoạn cần lấy ý kiến nhân dân nhưng trong thực tế việc thực hiện còn mang tính hình thức.

. Xin cảm ơn ông.

Theo nhóm nghiên cứu, danh mục các luật cần xây dựng, hoàn thiện và bổ sung về quyền con người và quyền tự do dân chủ của công dân gồm:Xây dựng các luật về quyền lập hội, biểu tình, tiếp cận thông tin, trưng cầu dân ý; Luật bảo hộ quyền của những người chuyển giới, đồng tính...; Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ người tiêu dùng...

NHẪN NAM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm