Những cuộc hội ngộ ở “miền đất chết”

Sáng 25-7, đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 27 Triệu Hải tay cầm nắm hương bước dò dẫm, đau đáu nhìn qua từng hàng tên ghi trên những phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 tìm mộ người thân. Ngoài cựu binh còn có những thân nhân, bạn hữu của các liệt sĩ của đơn vị tìm về chiến trường xưa để tìm người thân.

40 năm tìm kiếm

Chị Đinh Thị Bạch (xã Dương Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) khựng lại trước phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Thụy, ôm bia mộ khóc òa. Thắp nén hương lên phần mộ, chị Bạch xúc động kể: “Trên đường hành quân vào Nam, ông đã dừng chân lại quê tui, kết nghĩa anh em với cha tui và nhận tui làm con nuôi. Sau đó, ông vào chiến trường và mất hẳn liên lạc. Sau này, tui nghe tin ông đã hy sinh nhưng không biết tại điểm nào để đến thăm. Nhiều năm nay, tui đi nhiều nơi cố tìm kiếm phần mộ của ông nhưng không thấy. Hôm nay theo hành trình trở lại chiến trường xưa, tui may mắn tìm ra phần mộ của cha…”.

Cách đó không xa, cựu chiến binh Hoàng Duy Lộc (Lạng Sơn) cũng vui mừng tìm thấy phần mộ của người anh rể mình - liệt sĩ Dương Thời Doong. “Năm 1972, gia đình chúng tôi nhận được giấy báo tử của anh nhưng không biết được phần mộ nằm ở chỗ nào, nhiều lần gia đình đi tìm kiếm nhưng vô vọng. May mắn hôm nay tôi lại gặp anh ở nghĩa trang này, vậy là mừng quá rồi…” - ông Lộc bùi ngùi. Ông Lộc nhờ người trong đoàn chụp ảnh và cẩn thận ghi chép đầy đủ thông tin trên bia mộ của liệt sĩ Doong để mai này về báo tin cho gia đình biết.

Những cuộc hội ngộ ở “miền đất chết” ảnh 1

Gia đình cụ bà Nguyễn Thị Lý bên tấm bia tượng niệm ghi danh 13 liệt sĩ hy sinh chôn chung một nấm mồ, trong đó có chồng bà. Ảnh: HÀ LINH

Sống lại một thời

Trong đoàn cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa lần này có nhiều thương binh nặng, sức khỏe kém, bị vết thương hành hạ nhưng vẫn nung nấu mong muốn một lần trở lại chiến trường xưa, được ngủ một đêm trong rừng với những người đồng đội đã hy sinh. Cựu chiến binh, thương binh Hoàng Thế Vượng (71 tuổi) bị cụt mất chân phải trong một trận đánh ở làng Bích La Đông (xã Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị) đã lần đầu tiên trở lại chiến trường Quảng Trị sau gần 40 năm. Ông tập tễnh đi khắp xóm làng, trận địa ngày xưa, ngỡ ngàng và vui mừng trước những đổi thay ở miền đất Quảng Trị được coi là “miền đất chết” này. Đại tá Trần Đức Tuấn (69 tuổi) trở lại Quảng Trị để mong sống lại những cảm xúc ngày xưa, xin ngủ trọ nhà dân, ăn cơm nắm, mắc võng ngủ trong rừng với đồng đội. Mặc dù ông không nhận ra đồng đội vì vết thương làm trí nhớ giảm sút nhưng nhiều người bạn chiến đấu vẫn nhận ra ông, họ ôm nhau nghẹn ngào, nói không thành lời.

Mang hơi ấm vào cho chồng, cho cha

Trưa 25-7, đất Quảng Trị nắng như đổ lửa. Gần 400 cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ của Trung đoàn 27 Triệu Hải đã về quần tụ trên đỉnh núi Hồ Khê (xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị) để tìm lại những dấu tích của chiến trường ác liệt năm xưa và mang hơi ấm đến những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Núi Hồ Khê đã trở thành chứng tích lịch sử. Nơi đây ngày 28-2-1969 là ngày khốc liệt, 13 chiến sĩ quân giải phóng đã anh dũng hy sinh, xác thịt các anh hòa chung vào nhau trong một nấm mộ. Họ nằm bên nhau, ấm lạnh suốt mấy chục năm giữa chiến trường... Đến năm 2004, ông Nguyễn Minh Kỳ, cựu chiến binh quân giải phóng Đường 9, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Mới tìm thấy một hố chôn tập thể 13 liệt sĩ hy sinh tại núi Hồ Khê, sau này ông đã xây dựng nhà bia ghi danh liệt sĩ để thờ cúng ngay chiến trường xưa.

Những cuộc hội ngộ ở “miền đất chết” ảnh 2

Gần 400 cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ Trung đoàn 27 Triệu Hải đã ngủ trong rừng Hồ Khê để sưởi ấm đồng đội hy sinh. Ảnh: HÀ LINH

Bên nấm mồ chung của 13 liệt sĩ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người lính già, những thân nhân của các liệt sĩ lau vội những giọt nước mắt. Nhiều người òa khóc khi đọc những dòng chữ trên bia ghi tên người thân, đồng đội của mình. Chị Trần Thị Tịnh vượt hơn 400 km từ xã Diễn Kim (Diễn Châu, Nghệ An) lặn lội vào Quảng Trị để ngủ lại một đêm bên nấm mộ của người em trai mình. Thắp nén hương lên nấm mồ chung, nơi có hài cốt của người em trai, chị Tịnh khóc nức nở, tay cứ miết mãi nơi dòng tên thứ 10, đó là tên của người em trai - liệt sĩ Trần Minh Đức.

Hôm nay là lần thứ hai trong năm 2010 cụ bà Nguyễn Thị Lý (75 tuổi, quê xã Lương Nha, Thanh Sơn, Phú Thọ) vượt hàng trăm cây số vào chiến trường xưa thăm mộ chồng. Nhưng lần này có một ý nghĩa đặc biệt hơn đối với bà, bởi đại gia đình bà gồm hai người con trai, người con gái và đứa cháu ngoại đã cùng bà vào thăm mộ cha, ông là liệt sĩ Ngô Đức Hạt. Bà Lý giọng xúc động: “Chồng tôi hy sinh khi thằng con trai Ngô Đức Kế chưa đầy bốn tháng tuổi, cha con không biết mặt nhau. Ròng rã suốt 40 năm qua, con, cháu tôi cứ ray rứt vì không biết được phần mộ ông, cha mình để viếng thăm. Hôm nay gia đình chúng tôi về đây với tâm niệm thắp nén hương và ngủ lại với ông một đêm giữa rừng để ông được ấm lòng nơi chín suối. Cầu mong linh hồn của ông và các đồng đội được siêu thoát, vĩnh hằng...”.

Đêm ấm rừng đồng đội

Chúng tôi đưa đất, nước của quê hương đến cho đồng đội, đưa những thân nhân của các liệt sĩ về lại chiến trường xưa, tổ chức lễ thắp nến cầu nguyện và đốt lửa trại “đêm ấm rừng đồng đội”, đội văn công của trung đoàn hát thâu đêm cho đồng đội nghe, mắc võng nghỉ lại trong rừng với đồng đội để sưởi ấm các anh em hy sinh nơi núi rừng lạnh lẽo...

Cựu chiến binh LÊ BÁ DƯƠNG, Trưởng Ban tổ chức chương trình “lễ hành hương ấm rừng đồng đội” của cựu chiến binh Trung đoàn 27 Triệu Hải

HÀ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm