Những “ông nghị” của dân - bài 2: Ông Dũng “dân sinh”

Sau 10 năm làm đại biểu HĐND, năm 2004, ông Thái Đức Dũng được bầu làm phó Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Ninh Thuận khóa VIII nhiệm kỳ 2004-2011.

Chất vấn không phải để biết

Ở các kỳ họp HĐND tỉnh Ninh Thuận, đại biểu Thái Đức Dũng luôn là tâm điểm tạo không khí sôi nổi qua những lần chất vấn. Theo ông, quyền chất vấn là quyền được hỏi để được trả lời chứ không phải hỏi để biết. Thực ra, người chất vấn khi hỏi thì đã biết vụ việc đó nhưng vẫn hỏi để biết trách nhiệm giải quyết vụ việc là của ai, hướng giải quyết như thế nào.

Năm 2008, nông dân huyện Ninh Sơn kêu trời vì 60.000 tấn mì ế do nhà máy chế biến tinh bột mì của Công ty Chế biến nông sản Ninh Thuận (nay đã chuyển sở hữu) đã ký hợp đồng bao tiêu nhưng không chịu thu mua. Người dân ăn ngủ không yên vì lo lắng khi củ mì đến hạn không được thu hoạch ngày càng xơ, úng trên rẫy. Ngày 4-12-2008, ông đem sự việc vào nghị trường và chất vấn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận. Sau đó, lãnh đạo tỉnh chọn giải pháp chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh cho công ty vay hỗ trợ lãi để thu mua hết mì trong dân.

Những “ông nghị” của dân - bài 2: Ông Dũng “dân sinh” ảnh 1

Ông Dũng chất vấn về 60.000 tấn mì ế tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa VIII năm 2008. Ảnh: M.TRÂN

Lần khác, ông chất vấn ngành y tế tỉnh đã để tồn tại tình trạng giá xe chở bệnh nhân chuyển viện vào TP.HCM của BV đa khoa tỉnh là 2 triệu đồng/chuyến, cao hơn giá thuê xe bên ngoài 400.000 đồng/chuyến. Ngay sau đó, BV tỉnh đã điều chỉnh hạ giá xe chuyển viện. Những câu chuyện gắn liền với đời sống dân sinh khiến cử tri thấy ông gần gũi, thấu hiểu và sẻ chia khó khăn cùng họ.

230 hộ dân phường Mỹ Bình (TP Phan Rang-Tháp Chàm) chưa quên việc ông Dũng đã quyết liệt tháo gỡ quy hoạch treo cho họ. Những hộ dân này nằm trong dự án Khu liên hợp Thể dục-thể thao đã bị quy hoạch “treo” bảy năm. Nhiều người không thể hợp thức hóa, xây nhà hay trồng trọt. Trong đó, có 37 hộ dân đã nhận tiền bồi thường từ năm 2007 nhưng chưa có đất tái định cư. Tại kỳ họp HĐND tỉnh Ninh Thuận vào giữa năm 2010, ông Dũng chất vấn sở chủ quản dự án vì sao dự án triển khai chậm, có tiếp tục hay không, phương án tái định cư?… Đại diện sở chủ quản dự án trả lời loanh quanh, liền bị ông truy vấn đến cùng. Cuối cùng vị đại diện này thú nhận sau khi sát nhập ba sở (Văn hóa Thông tin, Thể dục Thể thao, Thương mại Du lịch) từ năm 2008 rồi “quên” tái định cư cho dân. Cả nghị trường đều đồng tình cách truy vấn đến cùng nhưng không gay gắt của ông.

Vị chủ trì kỳ họp lúc đó là ông Trương Xuân Thìn, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh, đã phải nói lời xin lỗi cử tri phường Mỹ Bình trước truyền hình trực tiếp về sự tắc trách của một số cán bộ thực hiện dự án.

Dũng khí của người đại biểu

Ông Thái Đức Dũng cho rằng trong danh sách ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 đã giảm nhiều đại biểu dân cử là cán bộ lãnh đạo các sở, địa phương cấp huyện. Là một cơ quan dân cử, trong đó càng giảm nhiều cơ quan hành chính càng tốt. Ông tâm đắc rằng tổ chức như vậy thì hoạt động của hội đồng ngày càng dân chủ hơn, giám sát tốt hơn. Nhiệm kỳ trước đây hầu như lãnh đạo các sở, địa phương cấp huyện là đại biểu HĐND. Theo ông, một ông giám đốc sở, một bà chủ tịch UBND huyện làm sao dám chất vấn chủ tịch UBND tỉnh.

Những “ông nghị” của dân - bài 2: Ông Dũng “dân sinh” ảnh 2

Ông Thái Đức Dũng làm việc tại Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: M.TRÂN

. Có kỳ họp nào ông chất vấn chủ tịch tỉnh chưa?

+ Có chứ. Tôi chất vấn vì sao các dự án như các khu công nghiệp Du Long, Dốc Hầm triển khai chậm, kiên cố hóa xây dựng trường lớp ồ ạt trong hai năm qua… là chất vấn chủ tịch tỉnh rồi còn gì. Bởi vì những việc lớn này liên quan trực tiếp đến trách nhiệm chủ tịch tỉnh. Nếu tôi chất vấn về chất lượng giáo dục, y tế thì đó là trách nhiệm của sở chuyên ngành.

Ông cho rằng dũng khí của người đại biểu dân cử là có dám chất vấn hay không, chất vấn xong còn phải truy vấn nữa. Muốn truy vấn đến cùng sự việc thì người truy vấn phải nắm vững sự việc đó, kể cả các văn bản quy định. Ông dẫn chứng lợi thế của ông là một đại biểu chuyên trách về kinh tế-ngân sách có chức năng giám sát các hoạt động thuộc lĩnh vực phụ trách nên am hiểu chuyên sâu, rất thuận lợi trong việc truy vấn. Ông kể có lần vào giờ giải lao sau phiên chất vấn, một đại biểu nói: “Tôi mà hỏi nữa thì nó (tức đại biểu vừa trả lời chất vấn - PV) chết”. Ông nghĩ nhiều khi cũng là đại biểu HĐND tỉnh, cũng là người đứng đầu sở chuyên ngành như nhau thì ít khi họ truy vấn nhau.

Là một tổ trưởng tổ đại biểu số 8 thường xuyên chủ trì tiếp xúc cử tri năm xã, phường Đông Hải, Mỹ Đông, Mỹ Bình, Văn Hải và Thành Hải (TP Phan Rang-Tháp Chàm) với trên 70.000 dân, ông Dũng có lần được cử tri gửi gắm chân tình “ông mà không nói được ở kỳ họp thì ông đừng xuống đây nữa”. Chính sự chân tình này mà ông Dũng vượt qua tâm trạng ray rứt, những cuộc điện thoại trách móc sau những phiên chất vấn, truy vấn làm “nóng” nghị trường.

Không biểu quyết kiểu đám đông

Từ năm 2004, ông thôi công tác ở công ty du lịch Ninh Thuận về làm phó ban chuyên trách Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Ninh Thuận đến nay. Ba nhiệm kỳ với 17 năm của HĐND tỉnh Ninh Thuận, ông đều trúng cử.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2008, đại diện UBND tỉnh đọc báo cáo tờ trình đề nghị phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức sau ĐH tại các cơ sở của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2009-2020. Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra tờ trình này với nội dung là việc thông qua nghị quyết phê duyệt đề án đào tạo là yêu cầu cần thiết. Đến “phút 89” các đại biểu HĐND đều biểu quyết thông qua đề án. Ông là một trong số hai đại biểu không giơ tay với ý kiến phản biện nên nghị quyết chuyên đề này bị gác lại. Hỏi ông vì sao không nhất trí với đề án đào tạo, ông Thái Đức Dũng cho rằng Ban Kinh tế-Ngân sách cân đối ngân sách của tỉnh chưa phù hợp. Số tiền 89 tỉ đồng không phải là ít. Nếu đồng thuận tức là phải thực hiện, lúc ấy lấy tiền đâu ra?

MINH TRÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm