“Ông Tây Việt cộng” thành công dân Việt

Mấy chục năm sau ngày Việt Nam thống nhất, ông vẫn đi đi về về, tình nguyện làm chiếc cầu nối nhỏ bé cho hai dân tộc luôn trong trái tim ông.

Mỗi chuyến đi là một lần trở về

Với Menras, lần trở về này thật đặc biệt vì cuối cùng, tâm nguyện được trở thành công dân Việt của ông đã sắp thành hiện thực.

Ông bảo Việt Nam không phải là nơi ông sinh ra, cũng không là nơi nuôi ông lớn nhưng nơi ấy đã giúp ông trưởng thành, hiểu hơn về ý nghĩa cuộc đời, hiểu rằng muốn có hạnh phúc phải không ngừng tranh đấu. Nơi ấy, những người bạn chiến đấu khác màu da, không cùng quốc tịch luôn mong ngóng ngày ông trở về. Đã không ít lần tôi được chứng kiến những giọt nước mắt, những cái ôm siết của ông cùng đồng đội Việt Nam ngày tái ngộ.

Cách đây 39 năm, chính tình yêu, lòng cảm phục đối với nhân dân Việt Nam đã giúp hai thầy giáo trẻ người Pháp là André Menras và Jean Pierre Debris làm nên một sự kiện chấn động dư luận. Hai thanh niên ngoại quốc phất cao lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngay trước tòa nhà quốc hội của chính quyền Sài Gòn. Dù hành động dũng cảm trên đã khiến hai thầy giáo Pháp phải trả giá bằng hai năm rưỡi đòn roi trong tù nhưng với Menras, đó vẫn luôn là những năm tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời.

“Ông Tây Việt cộng” thành công dân Việt ảnh 1

“Ông Tây Việt cộng” thành công dân Việt ảnh 2

Nơi này 39 năm trước ông cùng ông Jean Pierre Debris đã phất cao ngọn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Menras cùng bố mẹ nuôi người Việt Nam (ảnh trên).

Như cơn mưa dầm, ước mong trở thành công dân Việt đã thấm dần vào André Menras từ năm này qua năm khác. “Có lẽ nguyện vọng ấy bắt nguồn từ tình yêu đối với một dân tộc nhỏ bé mà ngoan cường gắn liền với thời tuổi trẻ của tôi” - ông trầm ngâm.

Sau chuyến thăm nhà Menras tại Pháp, một người bạn đã xúc động kể tôi nghe rằng hồn Việt in đậm ở từng ngóc ngách trong ngôi nhà vợ chồng ông đang sống. Có khi nó nằm kín đáo nơi bộ đồ ăn bằng gốm, tấm khăn trải bàn, cái bình hoa thô mộc. Có lúc nó toát ra từ cái khăn rằn vắt hờ hững trên ghế hay từ bức tranh phong cảnh đồng quê Việt nằm trang trọng nơi phòng khách... Nó còn hiện diện cả trong những bữa ăn gia đình có cơm, có trứng chiên, có canh rau cải... được nấu đều đặn mỗi tuần để chủ nhà vơi nỗi nhớ Việt Nam.

Chọn quán cà phê Givral để tiếp tôi vào một trưa cuối tháng 11 vì ông muốn một lần nữa được quay lại những kỷ niệm đẹp một thời tranh đấu. Bởi cách đó không xa, khu vực tượng đài Tình mẫu tử trước Nhà hát TP ngày nay chính là nơi ngày 25-7-1970, ông và đồng nghiệp đã đem lý tưởng của mình ra đòi tự do cho quê hương thứ hai của mình sau này.

Một trái tim, hai quê hương

Tự sâu thẳm, ông biết mình đã thuộc về Việt Nam. Song là một nhà giáo, suốt mấy chục năm qua vẫn dạy dỗ học trò về lòng yêu nước, ông không cho phép mình quên đi cội nguồn dân tộc. Vậy nên cái nguyện vọng vừa được giữ lại quốc tịch Pháp, vừa mang thêm quốc tịch Việt đã khiến ông trằn trọc nhiều đêm. Cách đây vài năm, ông mang tâm sự của mình thổ lộ cùng vài người bạn Việt. Tất cả đều hứa sẽ ủng hộ ông hết mình...

“Hệt như một giấc mơ... Gia đình tôi mừng lắm!” - Menras mừng đến nghẹn lời khi nhận được điện thoại của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết báo tin ông đã chính thức được công nhận là công dân Việt Nam. Quyết định ấy sẽ được trao tận tay Menras tại TP.HCM vào ngày mai (1-12). Tin vui đến với Menras vào một ngày đầu tháng 11 khi ông đang bận rộn trong chuyến trao học bổng cho học sinh nghèo tại Huế. Chỉ ít phút sau, qua điện thoại, niềm hạnh phúc ấy đã vượt biên giới đến với gia đình ông tại Pháp. Trên giường bệnh, cha ông gượng cười thành tiếng. Bên cạnh chồng, mẹ ông mỉm cười trước niềm hạnh phúc của con nhưng vẫn không giấu được nỗi lo: “Từ nay, mẹ biết con sẽ càng gắn bó hơn nữa với quê hương thứ hai nhưng cũng đừng quên gia đình mình, con nhé!”. Còn Menras nghẹn ngào mãi mới thốt được thành lời: “Con yêu ba mẹ...”.

Vì tôi là người Việt...

Có lần tôi bắt gặp ánh mắt buồn của ông khi chứng kiến cảnh những đứa trẻ vất vưởng kiếm sống ngoài vỉa hè. “Việt Nam mình đang phát triển quá nhanh. Khoảng cách giữa giàu và nghèo ngày càng xa. Tôi mừng nhưng cũng lo lắng cho tương lai quê nhà...” - ông bộc bạch.

Vì nỗi niềm canh cánh đó, từ năm 2004 đến nay, Hiệp hội Hữu nghị Phát triển Trao đổi Sư phạm Pháp-Việt (ADEP) do ông sáng lập đã trao học bổng cho hàng trăm học sinh nghèo ở Việt Nam. Ông và các thành viên ADEP còn dõi theo bước đi của từng học sinh được nhận học bổng để kịp thời tiếp sức cho các em đến hết chương trình phổ thông. “Người già chúng tôi là quá khứ, còn bọn trẻ là tương lai. Bởi không có khả năng giúp đỡ tất cả nên chúng tôi buộc phải lựa chọn...” - ông tâm sự.

Ở cái tuổi ngoài 60, ông giáo già Menras còn tìm cho mình niềm vui qua rất nhiều hoạt động có ý nghĩa như trao đổi kinh nghiệm giảng dạy giữa học sinh và giáo viên Pháp-Việt, tích cực ủng hộ chương trình “Nước ngọt cho Trường Sa”...

Trừ Cà Mau, đôi chân ông đã lang thang khắp các tỉnh, thành của đất nước Việt Nam. Đôi chân ấy thường len lỏi vào tận những bản làng xa xôi, hẻo lánh nơi người ta phải len rừng mà đi, nơi người dân còn chưa quen với tiếng xe máy, huống chi hình ảnh một ông Tây. Ấy vậy mà ông Tây hiền lành, yêu con nít này đã trở nên quen mặt với nhiều em nhỏ mặt mũi lem luốc, nói tiếng Việt chưa sõi.

Về Việt Nam lần này, ông mong người ta quên đi cái danh xưng ông Tây bởi từ nay ông đã là người Việt. Menras muốn được gọi là Hồ Cương Quyết, cái tên gắn liền với thời tuổi trẻ đầy hoài bão. Giờ đã là công dân Việt Nam, mong mỏi lớn nhất của Menras là được đặt chân đến Trường Sa để thấu hiểu và chia sẻ với các chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ bảo vệ quê hương thứ hai của ông. “Biết đâu tôi và những trái tim yêu Việt Nam sẽ làm được một điều gì đó cho quê hương của mình trong những năm tháng còn lại...” - ông hy vọng. “Là công dân Việt, từ nay tôi quyết dùng tiếng nói của người Việt tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng cho quyền lợi và chủ quyền đất nước...” - ông nói thêm.

Ở con dốc phía bên kia cuộc đời, người ta thường sợ lắm sự lãng quên. Thế nhưng ông không sợ người ta quên mình mà chỉ sợ lớp trẻ quên đi quá khứ, quên đi lịch sử dân tộc: “Tôi sợ lắm nếu một ngày bọn trẻ không còn biết trân trọng những người đã đào giếng cho mình uống nước...”.

“Ông Tây Việt cộng”

Sinh năm 1945 tại Hérault.

Tốt nghiệp Trường Sư phạm Montpellier.

Năm 1968-1970: Dạy học tại Việt Nam.

Ngày 25-7-1970: Cùng Jean Pierre Debris phất cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và rải truyền đơn ngay trên đầu tượng lính thủy đánh bộ Mỹ trước tòa nhà quốc hội của chính quyền Sài Gòn. Sau đó, hai ông bị giam tại khám Chí Hòa trong hai năm rưỡi.

Năm 1972: Hai ông bị trục xuất về nước. Từ đó, họ bắt đầu đi vòng quanh thế giới để tuyên truyền và viết sách tố cáo tội ác Mỹ ngụy. Cuốn “Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo” của họ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng...

PHƯƠNG TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm