“Phải chống tham nhũng cả ngoài phòng họp”

Theo ông Rolf Bergman, việc loại trừ tận gốc các nguyên nhân của tham nhũng trong y tế là khó khăn và lâu dài, song cần có những giải pháp, phương pháp tiếp cận đa ngành và những tác động làm thay đổi hành vi của mỗi người. “Cần phải có cơ chế pháp quyền với chính phủ minh bạch và sẵn sàng giải trình với công chúng” - ông nói.

Tại buổi đối thoại, đại diện Bộ Y tế và Thanh tra Chính phủ đã cùng trình bày về các dạng sai phạm, những sơ hở được phát hiện trong lĩnh vực y tế. Theo đó, một số cơ sở kinh doanh tân dược có dấu hiệu đẩy giá thuốc lên gấp nhiều lần, thậm chí 300% giá đã kê khai khi đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế. Một số cơ sở khám chữa bệnh có việc lợi dụng chính sách miễn giảm viện phí cho người nghèo, trẻ dưới sáu tuổi để chi sai chế độ. Thậm chí có nơi cán bộ trộm thuốc, vật tư của bệnh viện bán ra ngoài chia nhau.

Cũng theo báo cáo, có nhân viên y tế đã lợi dụng sự quá tải của bệnh viện để vòi vĩnh, nhũng nhiễu nhận phong bì của bệnh nhân. Có hiện tượng thầy thuốc vì động cơ hưởng hoa hồng, nhận quà của cơ sở kinh doanh dược phẩm, của cơ sở xét nghiệm, chẩn đoán bằng kỹ thuật cao bên ngoài... mà kê đơn cho bệnh nhân nhiều loại thuốc đắt tiền trong khi có thể chỉ định những loại giá cả phải chăng hơn, hoặc lạm dụng xét nghiệm, chẩn đoán gây lãng phí tiền bạc người bệnh.

Về chủ trương xã hội hóa dịch vụ y tế, ở một số bệnh viện công lớn có tình trạng lãnh đạo bệnh viện cho phép nhân viên, bác sĩ hùn vốn đầu tư thiết bị kỹ thuật cao, một mặt đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của dân, mặt khác thu tiền dịch vụ kiếm lời. Có nơi lại lôi kéo bệnh nhân từ cơ sở y tế công ra phòng khám tư để “làm dịch vụ”...

Các đánh giá trên của Bộ Y tế và Thanh tra Chính phủ chỉ dùng những số từ nhẹ nhàng như “một số”, “một số ít” để mô tả mức độ tiêu cực, tham nhũng. Còn phân tích số liệu từ Báo cáo phát triển Việt Nam 2010 và kết quả điều tra mức sống hộ gia đình 2008 do chuyên gia quản trị nhà nước của WB, ông Jairo Acuna-Alfaro trình bày cho thấy riêng lĩnh vực y tế, 28% người được hỏi nói có tham nhũng nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng ở cơ sở y tế trung ương và 13% đánh giá như vậy ở cơ sở y tế địa phương.

Phân tích nguồn gốc tham nhũng trong lĩnh vực y tế, TS Thaveeporn Vasavakul, nhà tư vấn độc lập được Đại sứ quán Thụy Điển đặt hàng nghiên cứu, cho rằng có năm nguyên nhân chính. Đầu tiên là mất cân đối cung-cầu, mặc dù cơ sở y tế rải khắp huyện, xã nhưng cơ sở nghèo nàn, lực lượng mỏng nên người dân vẫn kéo nhau lên bệnh viện tuyến trên. Mức viện phí quá thấp so với chi phí thực tế, kèm theo đồng lương ít ỏi khiến nhân viên y tế có xu hướng tìm mọi cách kiếm thêm thu nhập. Trong khi đó, mô hình công-tư hỗn hợp, giải pháp để ngành y tế thoát khỏi cơ chế bao cấp cũng là cơ sở của tham nhũng. Bệnh viện công vừa được cấp ngân sách, lại vừa được tự chủ tài chính bằng thu viện phí và các loại tiền dịch vụ tạo xung đột lợi ích công-cá nhân, trong đó lợi ích cá nhân có phần lấn át...

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm