GÓP Ý ĐỀ ÁN MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ TP.HCM

Phải đảm bảo nâng chất lượng sống của dân

“Đề án cần trình bày một cách thuyết phục hơn nữa yêu cầu cần đổi mới mô hình chính quyền TP.HCM để trung ương cũng như các tỉnh, thành khác hiểu, chia sẻ và đồng ý cho TP tiến hành thí điểm đề án chính quyền đô thị (CQĐT)”.

Đây là quan điểm được nhiều đại biểu (ĐB) nêu ra tại hội nghị lấy ý kiến cán bộ chủ chốt các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở và các sở, ban, ngành về dự thảo Đề án thí điểm tổ chức mô hình CQĐT TP.HCM, do Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 25-8.

Thuyết phục bằng con số cụ thể

Theo ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, vì TP.HCM là đầu tàu của cả nước nên đề án cần phải phân tích kỹ hơn để các tỉnh, thành khác và trung ương thấy chính sự phát triển của TP sẽ kéo theo cả nước cùng đi lên.

Phải đảm bảo nâng chất lượng sống của dân ảnh 1

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (thứ hai từ phải sang) cho rằng đề án phải làm rõ tính hiệu quả bằng những con số khoa học chứ không thể nêu chung chung. Ảnh: MC

Tương tự, ĐBQH - luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng vì đề án này đụng rất nhiều vấn đề và chắc chắn phải đi qua rất nhiều cửa ngoài trung ương từ các bộ, ngành đến các ủy ban của QH… nên TP cần phải làm sao để thuyết phục hơn nữa. “Đầu tiên là phải làm rõ đề án xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, muốn tạo ra cái tốt hơn cho nhân dân TP, cho TP và cho đất nước. Và phải chứng minh thay đổi như thế này thì sẽ mang lại hiệu quả gì” - ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, phải có minh chứng bằng con số khoa học cụ thể để thấy hiệu quả của đề án, chẳng hạn như tăng ngân sách đóng góp, cuộc sống dân tốt hơn; bộ máy hành chính sẽ giảm và không tăng biên chế,… chứ không phải nói một cách vắn tắt. Đồng thời, phải cho thấy rõ việc đề xuất thí điểm này nhằm giải quyết những bức xúc mang tính đặc thù của TP.HCM để trung ương và các tỉnh ủng hộ mô hình của TP đưa ra. “Nếu chỉ đưa ra các bất cập một cách chung chung thôi thì sẽ rất khó tìm sự ủng hộ” - ông Nghĩa lưu ý.

Theo ĐBQH Huỳnh Minh Thiện, người dân quan tâm nhất là cuộc sống có an ninh hơn không, trật tự đô thị, an toàn thực phẩm có được đảm bảo hay không. “Khi thực hiện CQĐT thì phải đảm bảo nâng chất lượng sống của người dân lên. Chứ cứ nói “thiên la địa võng”, trên trời dưới biển mà không làm rõ những điều đó thì người dân cũng quay trở lại câu hỏi cũ mà thôi” - ông Thiện nói.

Nhiều câu hỏi cần làm rõ

Theo đề án, TP sẽ tổ chức thành ba vùng với cơ cấu tổ chức chính quyền phù hợp gồm: đô thị lõi (13 quận trung tâm), bốn đô thị mới (gồm các vùng đang đô thị hóa ở bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc) và ba huyện địa bàn nông thôn. Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng đây là vấn đề mới và khác so với phương án mà Bộ Nội vụ đưa ra cho nên TP cần phải giải thích thuyết phục về mô hình tổ chức của mình. “Tại sao lại giữ 13 quận nội thành trong khi tám quận, huyện còn lại thì gom lại thành bốn đô thị mới? Mặt khác, tại sao lại còn ba huyện nông thôn là Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ mà không bỏ hẳn luôn Bình Chánh, chỉ còn Củ Chi và Cần Giờ?” - luật sư Nghĩa đặt hàng loạt câu hỏi.

Trong khi đó, ĐB Huỳnh Minh Thiện lại bày tỏ băn khoăn về cách gọi tên bốn TP mới trong đề án - các TP Đông, Tây, Nam, Bắc. “Tôi nghe nhiều ý kiến không đồng tình với cách gọi tên này, rồi nói chẳng qua là trước tách ra, nay nhập lại mà thôi. Như tôi đây, ai hỏi tôi quê đâu, tôi nói quê Hóc Môn, rất tự hào về một vùng đất có bề dày lịch sử cách mạng. Giờ nói là TP Bắc, cảm thấy rất xa lạ. Tên các TP mới không nói lên được đặc trưng của vùng đất, lịch sử, con người, cần xem lại” - ông Thiện kiến nghị. Về điều này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng cho biết ban soạn thảo đã tiếp thu, tên các TP mới sẽ được tính toán lại theo hướng quan tâm đến yếu tố lịch sử, đặc trưng vùng đất, con người.

Xây dựng chính quyền gần dân

Yêu cầu xây dựng tổ chức bộ máy mới là đáp ứng cao nhất bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Cái gì mà trước đây dẫn đến quan liêu xa dân, gây khó khăn cho dân thì cái mới phải khắc phục được, phải tổ chức chính quyền làm sao để gần dân và có điều kiện phục vụ dân tốt hơn.

Đổi mới mô hình tổ chức CQĐT cũng là để chúng ta phấn đấu xây dựng TP.HCM thành trung tâm kinh tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ tầm cỡ; phấn đấu xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm