CHỦ TỊCH HĐND TP.HCM PHẠM PHƯƠNG THẢO:

Phải tạo điều kiện để cử tri gần mình

Cử tri Lý Văn Thành (tỉnh Bắc Giang) hỏi: “Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) được cử tri của một khu vực rộng lớn bầu chọn, vậy bằng cách nào ĐBQH nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng hoặc những kiến nghị chính đáng của đại đa số cử tri?”. Bà Phạm Phương Thảo chân tình: “Mối quan hệ giữa ĐB và cử tri là máu thịt. Muốn đạt điều đó, người ĐB phải tìm mọi cách để được gần với cử tri và để cử tri có điều kiện gần mình. Không chỉ tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp QH, HĐND mà ĐB phải biết lắng nghe những ý kiến chính đáng, những bức xúc của cử  tri qua nhiều kênh, từ báo chí cho đến các kênh trong bộ máy nhà nước, gặp gỡ trực tiếp với cử tri...”.

Bạn Nguyễn Văn Tình (26 tuổi, TP Huế) chất vấn: “Việc lắng nghe cử tri là quan trọng nhưng kiến nghị của cử tri được giải quyết như thế nào mới là điều họ quan tâm nhất. Làm thế nào để tránh việc nghe xong rồi thôi?”. Bà Thảo khẳng định: “Thực tế cho thấy nếu ý kiến, kiến nghị của cử tri không được giải quyết thì lần sau có thể họ sẽ không hào hứng gặp gỡ, phản ánh với mình nữa. Biết là vậy nhưng không phải bất cứ chuyện gì cũng đều có thể giải quyết một cái rụp được. Có khi ĐB phải tiếp tục phản ánh, kiến nghị lên trên, bởi có những vấn đề thuộc tầm quốc gia. Hoặc những vấn đề ở tầm địa phương thì phải xử lý bằng những chính sách cụ thể, phải có sự chuẩn bị, có thời gian…”.

“Có những khi mình đang ngồi trên diễn đàn thì được chuyển cho mảnh giấy nhỏ ghi vội vài chữ “muốn gặp chị, đang rất khó khăn, muốn nhờ chị giúp”. Những ý kiến nhỏ như vậy nhưng không thể bỏ qua. Tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian để có thể nghe thêm hoàn cảnh của họ. Với những vụ việc cụ thể, nếu giúp đỡ được tôi đều giúp nhưng không phải tất cả…” - bà Thảo tâm sự.

TRỌNG MẠNH lược ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm