Phiếu tín nhiệm: Hai mức mới đánh giá đúng

“Với ba mức tín nhiệm như trong dự thảo thì chưa lấy phiếu đã mặc định trước kết quả là: Tất cả chức danh đều được tín nhiệm”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) Lê Thị Nga nói khi thảo luận về dự thảo sửa đổi nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Nghị quyết 35) trong phiên họp chiều 20-11.

Nhiều đại biểu (ĐB) cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH xem xét chỉnh sửa lại các quy định theo hướng chỉ có hai hình thức đánh giá là: “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”, đồng thời mỗi nhiệm kỳ sẽ lấy hai lần chứ không phải một lần như phương án mà UBTVQH nêu.

Ba mức để phân biệt với bỏ phiếu

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay: Qua thảo luận và thăm dò ý kiến ĐB thấy có hai luồng ý kiến khác nhau. Trong đó nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị mỗi nhiệm kỳ chỉ lấy một lần là phù hợp; nhóm ý kiến thứ hai lại đề nghị mỗi nhiệm kỳ lấy hai lần để bảo đảm thận trọng, khách quan trong đánh giá cán bộ.

“Nếu lấy hai lần thì thời gian quá ngắn, không đủ để phản ánh đúng mức độ biến chuyển trong công tác của người được lấy phiếu” - ông Lý nhấn mạnh và cho rằng mỗi nhiệm kỳ lấy một lần là phù hợp.

Các đại biểu bỏ phiếu 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sáng 15-11. Ảnh: TTXVN

Về mức độ đánh giá tín nhiệm, ông Lý cho hay quy định ba mức độ tín nhiệm nhằm phân biệt rõ hơn giữa quy trình lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là một bước chuẩn bị trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Vì vậy, UBTVQH thống nhất tiếp tục duy trì ba mức tín nhiệm là: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Chưa lấy phiếu đã biết đều được tín nhiệm

Không hài lòng với lý giải của UBTVQH, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng sau lần đầu tiên thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, một số ngành đã có những chuyển biến tích cực. Điều đó khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm đã phát huy được nhiều tác dụng, giúp bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. Vì thế quy định lấy tín nhiệm hai lần/nhiệm kỳ là phù hợp, bảo đảm đủ thời gian để các bộ trưởng, trưởng ngành rèn luyện, nâng cao công tác của mình.

“Việc lấy phiếu hai lần như là giám sát và tái giám sát để QH xem họ chuyển biến ra sao. Thông qua lấy phiếu lần thứ tư cũng là để phục vụ cho đại hội Đảng các cấp, căn cứ đánh giá năng lực, đạo đức, phẩm chất của cán bộ” - ông Hà nói. Ông cũng đề nghị UBTVQH công khai kết quả lấy ý kiến của ĐB về dự thảo nghị quyết, trong đó công bố rõ ràng số ĐB ủng hộ ở mỗi phương án.

Tán thành với ý kiến trên, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cũng đề nghị UBTVQH công bố kết quả lấy ý kiến của các ĐB về dự thảo vốn đã được thực hiện tại kỳ họp trước để ĐB biết. “Sau kỳ họp lần thứ bảy, nhiều cử tri cho rằng QH đã quá vội vã đưa Nghị quyết 35 ra sửa đổi. Việc vội vã này có phải QH quá lo cho sự an toàn của những người thuộc diện bị lấy phiếu không?”. Bà Dung cũng đề nghị chỉ nên quy định hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” chứ quy định ba mức khó đánh giá ai tín nhiệm, ai không.

Cụ thể hơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích: Với ba mức tín nhiệm như trong dự thảo thì chưa cần lấy phiếu đã mặc định trước kết quả là: tất cả chức danh đều được tín nhiệm. Việc lấy phiếu chỉ còn có ý nghĩa xác định tín nhiệm cao, vừa hay thấp mà thôi. “Việc không quy định mức “không tín nhiệm” vô hình trung đã hạn chế quyền của ĐB trong trường hợp ĐB không tín nhiệm một chức danh nào đó và qua đó đã hạn chế luôn cả quyền này của cử tri vì lá phiếu đánh giá của ĐBQH là thực hiện sự ủy nhiệm của cử tri. ĐB không có cách nào để thể hiện chính kiến của mình, nếu ghi thêm chữ “không tín nhiệm” thì phiếu trở thành không hợp lệ.

UBTVHQ muốn chỉnh sửa dự thảo phải tiếp thu theo ý kiến số đông của ĐB. Nếu có hai loại ý kiến thì phải đưa ra để xin ý kiến ĐB, tuyệt đối không được tiếp thu, chỉnh lý dự thảo thiếu chính xác, không theo ý số đông, làm thay đổi nội dung ý kiến mà ĐB nêu ra.

ĐB Chu Sơn Hà, TP Hà Nội

Lấy phiếu một lần duy nhất trong nhiệm kỳ là chưa hợp lý, không đảm bảo mục đích lớn nhất của lấy phiếu là: nâng cao hiệu quả giám sát và tái giám sát; giúp người được lấy phiếu để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động… Tại sao chúng ta lại tự tước đi quyền ghi nhận của chính QH về kết quả nỗ lực khắc phục hạn chế của những người thuộc diện lấy phiếu?

ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm