Qua tết TP.HCM mới tính giá nước

Trước đó, nhiều đại biểu còn nghi ngờ các con số về lao động có việc làm, xử lý chất thải rắn trong dự thảo nghị quyết...

Tập trung nguồn lực để phát triển bền vững

Theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, TP tiếp tục duy trì và kiểm soát chặt chẽ giá cả, chưa cho tăng giá nước, phí và lệ phí trong thẩm quyền của UBND TP. “Cụ thể, việc tăng giá nước sạch sẽ cố gắng giữ giá nước hiện nay đến qua tết Canh Dần, sau đó mới xem xét tăng theo lộ trình hợp lý.

Cạnh đó, việc tăng học phí các cấp học phổ thông cũng để đến hết năm học 2009-2010 mới xem xét. Tương tự, các loại phí, lệ phí khác cũng chưa tăng để tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi tốt hơn và đảm bảo an sinh xã hội” - Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân khẳng định.

Nhìn lại tình hình kinh tế-xã hội năm 2009, chủ tịch đánh giá là còn một số hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh của TP còn thấp; tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính vẫn còn nhiều điều cần khắc phục...

Qua tết TP.HCM mới tính giá nước ảnh 1

Học phí các cấp phổ thông, nước, các loại phí đều chưa tăng giá để tạo điều kiện cho kinh tế phục hồi và đảm bảo an sinh xã hội. Ảnh: HTD

Theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, năm tới ngoài các nhiệm vụ như giữ vững an ninh, chính trị, cải cách hành chính, thực hiện có hiệu quả năm văn minh đô thị, chính sách an sinh cho người thu nhập thấp, TP sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các mục tiêu kinh tế.

Cụ thể, TP sẽ sử dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, chất lượng, bền vững theo hướng dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Ổn định và phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa. Bình ổn thị trường, giám sát chặt chẽ thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường vàng...

Năm 2010: GDP tăng 10% trở lên

Trước kỳ họp, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đề nghị UBND TP.HCM cho tăng giá nước, tính định mức bình quân theo hộ 16 m3/hộ/tháng... Cử tri không đồng tình với đề xuất của Sawaco và kiến nghị đến các đại biểu là nên tính toán lại, tăng giá nước theo lộ trình hợp lý. UBND TP đã tiếp thu đề nghị của các đại biểu.

Trước khi biểu quyết thông qua nghị quyết về kinh tế-xã hội năm 2009, đại biểu Võ Văn Sen đặt vấn đề: “Tỉ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý 100% là chỉ tính ở những cơ sở có đăng ký sổ chủ nguồn thải chứ không phải tất cả chất thải rắn của TP. Mà ở TP này, số doanh nghiệp không đăng ký sổ chủ nguồn thải rất nhiều. Do đó, thực tế thu gom được 50%-60% chất thải rắn đã quá đạt”.

Cũng theo ông Sen, hiện tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2009 đạt 55% rồi. “Vì vậy, năm 2010 đề ra chỉ tiêu 58% là quá bình thường, chưa phải cố gắng lớn. Đề nghị TP phải đưa chỉ tiêu này lên cao hơn, trên 60% mới đúng”.

Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang hỏi: “Số lao động được giải quyết việc làm là 270.000 người cứ lặp đi lặp lại nhiều năm mà chưa ai kiểm chứng. Không hiểu sao nó giống nhau qua nhiều năm như thế. Sao không nhiều hơn hoặc ít hơn? Hãy cho đại biểu xem đề án và số liệu kiểm chứng”.

Tuy nhiên, cuối cùng thì nghị quyết về kinh tế-xã hội năm 2010 cũng được thông qua 100% với các nội dung chính: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn TP phải tăng từ 10% trở lên; thu ngân sách trên địa bàn đạt 144.200 tỉ đồng (tăng 17,88%). Số lao động được giải quyết việc làm 270.000 người; tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề 58%; tỉ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt 100%...

Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo, năm 2009 dù kinh tế TP nói riêng và cả nước nói chung gặp khó khăn nhưng GDP của TP.HCM vẫn tăng 7,5%-8% là khá, đáng tự hào. Năm 2010, kinh tế thế giới và trong nước sáng sủa hơn nên TP đề ra mức tăng GDP từ 10% trở lên là có cơ sở...

Kỳ họp HĐND TP Hà Nội: Ra nghị quyết tăng giá đất

Chiều 11-12, kỳ họp HĐND TP Hà Nội chính thức bế mạc. Trước đó, HĐND cũng đã biểu quyết thông qua sáu nghị quyết về giá đất, phân bổ dự toán ngân sách, quản lý mua sắm tài sản công, chương trình giám sát, kết quả bầu cử và chương trình xây dựng nghị quyết.

Theo đó, từ ngày 1-1-2010, giá đất trên địa bàn TP sẽ tăng từ 20% đến 40%. Các quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên có giá tối thiểu là 1,8 triệu đồng/m2. Một số đường phố như Hàng Ngang, Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) được điều chỉnh lên ở mức gần 81 triệu đồng/m2 (tăng 21%).

Tại các khu vực của tỉnh Hà Tây cũ như Hoài Đức, Đan Phượng, Sơn Tây giá đất cũng tăng mạnh. Trong đó, giá thấp nhất là trên 1,2 triệu/m2 và cao nhất là 21 triệu/m2...

Nghị quyết cũng xác định, trong năm 2010, dự toán thu ngân sách của TP đạt trên 88 ngàn tỉ đồng. Dự toán chi gần 35 ngàn tỉ đồng, trong đó chi trợ giá xe buýt, nước sạch, trợ cước vận chuyển hàng hóa cho đồng bào miền núi... gần 600 tỉ đồng; chi để trả gốc, lãi và thanh toán trái phiếu đến hạn là 1,2 ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, đối với việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức thuộc phạm vi quản lý của TP, nghị quyết yêu cầu việc đầu tư, trang bị và sử dụng tài sản phải đúng mục đích, định mức, chống lãng phí.

THÀNH VĂN

TRỌNG MẠNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm