Quan điểm trái nhau về tịch thu xe đua

Có nên quy định tịch thu phương tiện bị sử dụng trái phép để đua xe hay khai thác khoáng sản hay không tiếp tục là chủ đề có nhiều ý kiến trái chiều trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 10-4 về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cứ đua xe là phải tịch thu

Điều 84 của dự thảo luật này quy định: Đối với tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trường hợp những người này có lỗi trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện để vi phạm thì có thể bị tịch thu.

Theo Ủy ban Pháp luật, bên cạnh những ý kiến đồng tình với quy định trên thì cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng cần phải tịch thu tang vật, phương tiện trong cả trường hợp người chủ hợp pháp của phương tiện không có lỗi. Đặc biệt là trong các trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến trật tự công cộng như khai thác khoáng sản, đua xe trái phép… Điều này nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Đổi lại, chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp có quyền yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

“Đua xe trái phép thì phải tịch thu xe, không phân biệt chủ sở hữu hay chủ sử dụng, nếu không sẽ rất nhức nhối” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến. Ông Hiển cũng đề nghị cần nâng cao mức xử phạt có tính đặc thù ở các TP lớn bởi ở các khu vực đó dân trí cao, trong khi các hành vi vi phạm hành chính thường gây nguy hiểm lớn.

Quan điểm trái nhau về tịch thu xe đua ảnh 1

Việc tịch thu xe đua còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong ảnh: Các phương tiện vi phạm được đưa về đội xử lý. Ảnh: Ái Nhân

Không phù hợp với quyền sở hữu

Trái với các ý kiến trên, nhiều thành viên UBTVQH lại ủng hộ quy định trả lại phương tiện cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp khi họ không có lỗi. Bởi trong nhiều trường hợp chủ phương tiện chỉ cho mượn, cho thuê đúng quy định nên không phải chịu trách nhiệm về vi phạm do người khác gây ra. Nếu tịch thu tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép sẽ làm phương hại đến quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức được Hiến pháp, pháp luật quy định. Đồng thời làm ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội khác như cho mượn, cho thuê tài sản.

“Ngay cả Bộ luật Hình sự cũng đã quy định rõ trong trường hợp tang vật, phương tiện “bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để phạm tội” thì được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp khi những người này không có lỗi” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý dẫn chứng thêm.

Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cũng cho rằng người sử dụng phương tiện mới là người vi phạm hành chính chứ phương tiện không vi phạm. Do đó cần phải phân biệt rõ, làm rõ xem chủ sở hữu có lỗi hay không, có biết là đối tượng mượn phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm không. Nếu xác định họ không có lỗi thì phải trả phương tiện chứ không thể tịch thu được. “Nếu chúng ta không thiết kế rõ ràng các quy định sẽ rất dễ dẫn đến vi phạm về sở hữu” - ông Hằng lưu ý.

Bỏ quy định tăng mức tiền phạt theo CPI

Các dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính trước đây đều quy định căn cứ vào tỉ lệ phần trăm biến động về giá cả (CPI) theo nghị quyết của QH, Chính phủ điều chỉnh tương ứng mức xử phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực.

Tuy nhiên, tại phiên họp, UBTVQH cho rằng việc tăng mức tiền phạt ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân nên chỉ có QH mới có thẩm quyền quy định tăng mức tiền phạt. Mặt khác, khi có biến động về giá cả theo nghị quyết của QH, nếu thấy cần thiết thì QH có thể sửa luật để điều chỉnh ngay mức tiền phạt. Do đó, dự thảo luật lần này đã bỏ quy định điều chỉnh mức phạt tiền theo biến động giá cả.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm