Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong hai ngày 6 và 7-10

Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa phát đi thông cáo đặc biệt về việc nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười mất do tuổi cao, bệnh nặng đêm 1-10.

Thông cáo có đoạn: “Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương Sao vàng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”.

Để tỏ lòng tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ cho ông với nghi thức quốc tang trong hai ngày 6 và 7-10.

Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sẽ bắt đầu từ 7 giờ ngày 6 đến 7 giờ 30 ngày 7-10 tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Lễ truy điệu vào 9 giờ ngày 7-10 tại địa điểm trên, và an táng từ 13 giờ cùng ngày tại quê nhà, Khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM cũng tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu…

Hai đài quốc gia VTV và VOV sẽ tường thuật trực tiếp lễ viếng, lễ truy điệu và lễ an táng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Hà Nội và TP.HCM.

Trong hai ngày quốc tang, các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2-2-1917; quê quán xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội; thường trú tại số nhà 11, phố Phạm Đình Hổ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ông tham gia cách mạng năm 1936 trong phong trào Mặt trận Bình dân, sang năm 1937 tham gia Tổ chức Ái hữu thợ mỏ Hòn Gai. Năm 1938, ông về quê nhà Thanh Trì hoạt động, vào Công hội, vận động phong trào ủng hộ Liên Xô. Tháng 6-1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1941, người đảng viên cộng sản Đỗ Mười bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, giam ở nhà tù Hà Đông và nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Bốn năm sau, vào dịp Nhật đảo chính Pháp, ông vượt ngục Hỏa Lò, bắt liên lạc với Đảng và tiếp tục hoạt động, được phân công về tham gia Ban khởi nghĩa Tỉnh ủy Hà Đông, phụ trách phong trào cách mạng huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hà Đông.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông Đỗ Mười làm bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, rồi đầu năm 1946 làm bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, cuối năm đó làm bí thư Tỉnh ủy kiêm chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Nam Định.

Từ năm 1947-1949, ông Đỗ Mười là khu ủy viên khu III, bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình. Năm 1950, ông được Đảng phân công làm phó bí thư Liên khu ủy kiêm phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu III, chính ủy kiêm tư lệnh Liên khu III. Giai đoạn 1951-1954, ông làm bí thư Khu ủy khu Tả Ngạn Sông Hồng kiêm chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính và chính ủy Quân khu Tả Ngạn Sông Hồng.

Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, năm 1955 ông Đỗ Mười làm nhiệm vụ chỉ đạo tiếp quản Khu 300 ngày, bí thư Thành ủy kiêm chủ tịch Ủy ban Quân chính TP Hải Phòng.

Tháng 3 cùng năm, ông được bầu bổ sung ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, và sau đó được bầu làm ủy viên Trung ương các khóa III, IV, V, VI, VII.

Từ khi vào Trung ương, ông Đỗ Mười trải qua cương vị thứ trưởng Bộ Thương nghiệp (từ năm 1956), bộ trưởng Bộ Nội thương (từ năm 1958), chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước và trưởng phái đoàn Thanh tra Chính phủ (1967-1968), phó thủ tướng kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước (1969-1973), phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Xây dựng, phó chủ tịch Hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương và chống phong tỏa cảng Hải Phòng (năm 1973).

Sau khi đất nước thống nhất, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976), ông Đỗ Mười được bầu làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, giữ chức vụ phó thủ tướng Chính phủ, phụ trách các khối xây dựng cơ bản, công nghiệp, vật tư, cải tạo công thương nghiệp và phân phối lưu thông.

Là ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội V (tháng 3-1982), ông tiếp tục giữ chức vụ phó thủ tướng Chính phủ, phụ trách các khối xây dựng cơ bản, công nghiệp, vật tư.

Tiếp tục là ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội VI (tháng 12-1986), ông được phân công làm thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Giữa nhiệm kỳ, tháng 6-1988, ông được Quốc hội bầu làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991), ông Đỗ Mười tiếp tục tái cử Bộ Chính trị, giữ chức tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; bí thư Quân ủy Trung ương.

Tháng 12-1997, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa VIII, ông Đỗ Mười cùng với hai vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng thời xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi các cương vị nhà nước. Trung ương chấp thuận các đề nghị này và suy tôn ba ông làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngoài các cương vị nêu trên, ông Đỗ Mười còn là đại biểu Quốc hội các khóa II, IV, V, VI, VII, VIII và IX.

Do có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng huân chương Sao vàng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. 

DANH SÁCH BAN LỄ TANG

1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban lễ tang.

2. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ.

3. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội.

4. Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.

5. Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.

6. Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương.

7. Ông Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

8. Bà Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương.

9. Ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

10. Ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

11. Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

12. Ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ.

13. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

14 Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.

15. Ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

16. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

17. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Quyền Chủ tịch nước

18. Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

19. Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

20. Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

21. Ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.

22. Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương.

23. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

24. Ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

25. Ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương.

26. Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

27. Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

28. Ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.

29. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

30. Ông Lê Minh Khái,  Tổng Thanh tra Chính phủ.

31. Ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

32. Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

33. Ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

34. Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

35. Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

36. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam .

37. Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

38. Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

39. Ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm