Quy định rõ cách thức giám sát Đảng

Ngày 14-3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách cho ý kiến đối với một số vấn đề lớn nổi lên sau hơn hai tháng xin ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992, các ĐB tiếp tục nêu ý kiến đóng góp vào Điều 4 với mong muốn hoàn thiện hơn nữa vai trò lãnh đạo cũng như việc chịu trách nhiệm của Đảng trước nhân dân về những quyết định của mình.

Đảng trả lời chất vấn trước QH

Đề cập đến Điều 4 dự thảo, ĐB Nguyễn Sỹ Cương - Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng quy định như Điều 4 chưa làm rõ được nhân dân giám sát Đảng như thế nào. Do đó, cần phải xác lập ngay trong dự thảo HP quy định Đảng phải trả lời chất vấn trước QH bởi QH là cơ quan dân cử, là nơi đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân.

“Nếu không bổ sung quy định đó thì có ghi “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” cũng không giải quyết được gì. Với một QH mà phần nhiều là ĐB kiêm nhiệm, việc phân chia quyền lực chưa rõ ràng thì đúng là khó khi tiến hành chất vấn trách nhiệm của Đảng trước QH. Nhưng dù khó thì chúng ta cũng cần phải làm, phải thay đổi” - ông Cương nhấn mạnh.

Quy định rõ cách thức giám sát Đảng ảnh 1

Các ĐBQH chuyên trách thảo luận góp ý về Dự thảo sửa đổi HP 1992 tại hội nghị. Ảnh: THÀNH VĂN

Xâm phạm quyền công dân phải do luật định

Đề cập đến các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II), ĐB Nguyễn Mạnh Cường - Ủy ban Tư pháp - cho rằng chưa rõ nhân dân được lợi gì từ sự sửa đổi này. Ông Cường dẫn chứng HP hiện hành hiện đã quy định rõ quyền bất khả xâm phạm chỗ ở và bí mật thư tín. Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi HP lại tách quy định trên thành hai khoản khác nhau và chưa thật sự phù hợp. Cụ thể, trong khi quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở trong dự thảo vẫn quy định như HP hiện hành là việc khám xét chỗ ở do luật định; thì việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác dự thảo lại ghi “do pháp luật quy định”.

“Bí mật thư tín là quyền cơ bản của công dân, muốn hạn chế thì phải do luật định chứ do pháp luật quy định thì sau này chỉ cần các văn bản dưới luật, cũng có thể quy định được. Do đó, tôi đề nghị cần phải sửa lại theo hướng là do luật định chứ không phải do pháp luật” - ông Cường nói.

Đề cập về quy định tại Điều 21 dự thảo “Mọi người có quyền sống”, ĐB Nguyễn Thanh Hồng - Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh - cho rằng nếu quy định như thế này thì rất dễ dẫn đến những ý kiến cho rằng phải bỏ quy định về tử hình. “Do đó, chúng ta nên sửa lại thành “mọi người sinh ra có quyền sống” như lời Bác Hồ đã nói cho hợp lý hơn” - ĐB Hồng đề nghị.

Đất đai: QH phải là đại diện chủ sở hữu

Sáng 14-3, thảo luận tại Hội nghị nêu ý kiến của nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (LĐĐ) sửa đổi do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, GS Nguyễn Lang - Hội đồng Tư vấn về kinh tế - cho rằng chỉ có thể thảo luận về Dự thảo LĐĐ sau khi QH thông qua HP.

Liên quan đến vấn đề sở hữu đất đai, GS Nguyễn Lang nhận định lâu nay chúng ta có thói quen hiểu là Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhưng nói như vậy rất mơ hồ. Nếu hiểu đúng thì QH phải là đại diện chủ sở hữu và Chính phủ được giao quản lý tài sản. Còn người được giao khai thác tài sản đó là tổ chức, cá nhân…

Tán thành với ý kiến trên, ông Phạm Gia Hải - Hội đồng Tư vấn về kinh tế - cũng cho rằng đại diện chủ sở hữu phải là cơ quan lập pháp, còn thống nhất quản lý là hệ thống cơ quan hành pháp. Theo đó, QH phải có nhiệm vụ thông qua quy hoạch sử dụng đất đai toàn quốc, ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ. Địa phương không nên làm quy hoạch mà chỉ làm kế hoạch. Như vậy mới đảm bảo tính thống nhất trong sử dụng đất đai. Đất dọc biên giới, ở những khu vực có tầm quan trọng tới an ninh, quốc phòng thì phải do QH quyết định sử dụng. Dự án sử dụng diện tích rất lớn thì phải đưa ra QH quyết định. Như vậy mới thể hiện đúng vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

THÀNH VĂN

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm