Rào cản cho sự công khai?

Cụ thể, một bạn ở Hà Tĩnh nói thẳng: “Luật Thanh tra 2010 cũng như các quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) đều có quy định việc công khai kết luận thanh tra. Nhưng vấn đề này được thực hiện ở các đơn vị trong ngành không thống nhất. Vậy đâu là phạm vi, nội dung kết luận thanh tra phải công khai; việc Hà Tĩnh cho đăng tải toàn văn kết luận thanh tra trên mạng có đúng không?”.

Trả lời câu hỏi này, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng nói:“Việc đăng tải toàn văn kết luận thanh tra lên cổng thông tin điện tử của cơ quan tiến hành thanh tra là một trong những hình thức công khai kết luận thanh tra... Tuy nhiên, cần lưu ý đến nội dung mà pháp luật có quy định khác”.

Qua câu trả lời này bạn đọc cảm thấy dường như có một “rào cản” đâu đó trong việc công khai minh bạch công tác thanh tra bởi “pháp luật có quy định khác” là một khái niệm mơ hồ.

Kết quả khảo sát thực trạng tiếp cận thông tin về tham nhũng và PCTN của người dân do Viện Khoa học Thanh tra phối hợp với Dự án GI-UNCAC tổ chức cho ra những con số rất đáng quan tâm: Sáu tháng đầu năm 2010, lượng tin, bài về đề tài PCTN trên báo chí đã tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng hơn 40% người dân được hỏi lại cho rằng đó chỉ là thông tin giới thiệu về chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN chung chung, không cụ thể; hơn 60% người dân khẳng định thông tin về quyền và nghĩa vụ của họ trong PCTN khó hiểu hoặc họ không biết gì về những thông tin này.

Đi sâu vào khảo sát, nhiều người dân nói rằng họ rất quan tâm đến thông tin phát hiện và xử lý tham nhũng nhưng lại chỉ biết được khi đối tượng tham nhũng bị bắt và đưa ra xét xử, ít người biết được toàn bộ nội dung về vụ việc. Đa phần ở những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao thì thông tin đến với người dân lại rất hạn chế mà chủ yếu họ chỉ tiếp cận thông tin tham nhũng qua truyền hình.

Lợi ích của việc công khai đã được khẳng định. Nhưng có một “rào cản” vẫn lấp ló đâu đây...

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm