“Rối bời” với hình thức tố cáo nặc danh

Những ĐB ủng hộ không đưa hình thức trên vào trong luật cho rằng tố cáo nặc danh dễ dẫn đến tố cáo sai sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ, tốn kém thời gian và tiền bạc cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét giải quyết. Hơn nữa, nếu thừa nhận loại tố cáo này thì vô hình trung sẽ khuyến khích tố cáo nặc danh. “Thực tế là trước các kỳ đại hội Đảng đều có rất nhiều đơn thư tố cáo nặc danh, khi xem xét thì phần lớn đều là tố cáo sai sự thật” - Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa Vũ Huy Hòa nói.

Tuy nhiên, những người ủng hộ đưa tố cáo nặc danh vào trong luật lại cho rằng nếu không quy định giải quyết sẽ dẫn đến tình trạng bỏ sót, không xử lý những hành vi vi phạm bị phát giác. “Có ai không lo ngại tố cáo thủ trưởng, lãnh đạo mình. Khi đó, họ sẽ bị ảnh hưởng đến công việc của mình, thậm chí có thể bị trả thù, còn việc bảo vệ có khi “được vạ má đã sưng rồi” - ĐB Phạm Thị Huyền Thái (Hà Nội) nêu và khẳng định cần phải quan tâm đến thư nặc danh, nhất là trong thực tế hiện nay tỉ lệ đơn nặc danh đúng khá cao. Vì vậy cần có quy định cụ thể việc này.

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) bổ sung, thực tế có những trường hợp người xem xét giải quyết tố cáo còn cung cấp tên của người đi tố cáo cho người bị tố cáo biết. Hoặc có những trường hợp cố tình trì hoãn, thậm chí là không xem xét giải quyết đơn thư tố cáo. Ông Cuông đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm giải quyết tố cáo của các cấp chính quyền. Cần quy định rõ chế tài để thực hiện cho nghiêm. Cạnh đó, những người tố cáo sai cũng phải bị xử lý nghiêm.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm