Rút ngắn thời gian cung cấp thông tin cho báo chí

Ngày 4-5, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 25/2013 ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Quyết định này có hiệu lực từ 1-7-2013 (thay thế cho quy chế phát ngôn được ban hành bởi Quyết định 77/2007).

Theo đó, người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính Nhà nước gồm: người đứng đầu cơ quan, người được người đứng đầu cơ quan giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên và người được người đứng đầu cơ quan ủy quyền phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao. Họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ email của người phát ngôn phải được công bố cho báo chí và đăng tải trên trang điện tử của cơ quan hành chính nhà nước.

Cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin báo chí. Cách quy định này có cởi mở hơn so với quy chế hiện hành, vốn chỉ quy định chung chung “không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn”.

Theo quy chế này, Chính phủ sẽ tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ một lần/tháng. Các bộ, UBND tỉnh, thành hằng tháng phải cung cấp thông tin cho báo chí và cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử hoặc trang tin điện tử của cơ quan mình và họp báo ba tháng/lần để cung cấp thông tin. Tần suất cung cấp thông tin theo quy chế mới có tăng so với quy chế hiện hành, vốn chỉ yêu cầu các bộ, UBND tỉnh, thành cung cấp thông tin ba tháng/lần và họp báo sáu tháng/lần.

Quy chế mới cũng rút ngắn thời gian cung cấp thông tin trong trường hợp xảy ra vụ việc cần ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước còn một ngày, thay vì đến hai ngày như quy chế hiện hành. Quy chế cũng nêu rõ khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đã được nêu trên báo chí hoặc về các sự kiện, vấn đề nêu trên thì người phát ngôn phải kịp thời đáp ứng.

Quy chế mới cũng có thêm quy định làm rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo đăng, phát, phản ánh trung thực nội dung phát ngôn, đồng thời phải ghi rõ họ tên người phát ngôn. Trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin được cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó.
Quy chế mới bổ sung thêm một số trường hợp từ chối phát ngôn, cung cấp thông tin, bao gồm: các vụ việc đang trong quá trình thanh tra; nghiên cứu giải quyết khiếu nại, tố cáo; những tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước đang trong quá trình giải quyết chưa có kết luận chính thức mà theo quy định không được cung cấp thông tin cho báo chí. Các trường hợp không được cung cấp thông tin khác vẫn giữ như lâu nay là: vấn đề thuộc bí mật nhà nước; vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn; vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử; văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm