Sẽ công khai các khoản nợ quốc gia

TS Nguyễn Thành Đô đánh giá: “Các chỉ tiêu nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia đang trong giới hạn an toàn. Công tác quản lý nợ ngày càng tốt hơn, dần tiếp cận thông lệ quốc tế. Tỷ trọng nợ nước ngoài trong cơ cấu nợ Chính phủ có xu hướng giảm. Nghĩa vụ trả nợ trong tầm kiểm soát, đặc biệt, phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ có kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi”.
Theo TS Nguyễn Thành Đô, tính đến ngày 31.12.2009, trong cơ cấu nợ nước ngoài của Chính phủ, vay ODA chiếm tỷ lệ chủ yếu với 74,67%, kế đến là vay thương mại với 19,92%, vay ưu đãi với 5,41%. Lãi suất trung bình nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2006 là 1,54%/năm, 2009 là 1,9%/năm, và 2010 là 2,1%/năm.

Theo nhận định của các chuyên gia, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia sẽ gia tăng để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển; tỷ trọng vốn ODA sẽ giảm dần, vốn vay thương mại tăng dần.

TS Nguyễn Thành Đô cho biết sắp tới sẽ hoàn thiện khung pháp lý về quản lý nợ công, thông qua việc hoàn thiện chính sách quản lý về vốn ODA, vay ưu đãi, phát hành trái phiếu, quản lý phòng ngừa rủi ro; nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay; thu thập, báo cáo, công khai các chỉ tiêu giám sát an toàn nợ... Đặc biệt tới đây Bộ Tài chính sẽ công khai minh bạch thông tin danh mục nợ Chính phủ và nợ nước ngoài quốc gia cũng như các chỉ tiêu giám sát nợ, các chiến lược quản lý nợ, và các báo cáo đánh giá an toàn, bền vững nợ trên website về thông tin nợ quốc gia của Bộ mà thời gian qua phần nào đã được cập nhật. Bộ cũng đã xây dựng nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công trình Chính phủ.

Dự kiến đầu tháng 7.2010 sẽ ban hành các nghị định liên quan đến quản lý nợ công như nghị định về nghiệp vụ quản lý nợ công, nghị định về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, và nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. “Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng chiến lược quản lý nợ, định hướng quản lý nợ đến năm 2012 và giai đoạn đến năm 2020, nghiên cứu sử dụng các công cụ quản lý nợ có tính đến bối cảnh trong và ngoài nước, phù hợp với thông lệ quốc tế”, TS Nguyễn Thành Đô cho biết thêm.

Theo Hải Âu (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm