Sửa đổi Bộ luật Hình sự: Đánh bạc - Có nên phi hình sự hóa?

Hôm qua (23-12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS). Trước sự phân tán của các luồng ý kiến khác nhau trong Quốc hội, một số thành viên UBTVQH cho rằng cần làm rõ quan điểm về chính sách hình sự của nhà nước ta trước khi sửa đổi, bổ sung từng điều luật cụ thể.

Đánh bạc là nhu cầu của xã hội?

“Chính sách hình sự liên quan đến văn hóa, xã hội, quan điểm của chế độ... Vì vậy, khi sửa đổi phải đưa ra căn cứ, quan điểm rõ ràng về từng vấn đề. Trong điều kiện hiện nay, cái gì coi là tội phạm, cái gì không là tội phạm? Ví dụ như đánh bạc thì bây giờ có coi là tội phạm hay không nên coi là tội phạm nữa? Hay đó là nhu cầu của xã hội? Đọc trên báo, đài thấy thỉnh thoảng lại có tin công an bắt mấy sinh viên đánh bạc. Sau đó xử lý đuổi học, đình chỉ học lại đẻ ra vấn đề xã hội khác xót xa lắm. Trong khi đó, nhà nước tổ chức xổ số, cho mở casino thì cũng là đánh bạc... Những vấn đề này phải phân tích, phải thể hiện rõ quan điểm thì mới sửa được” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đặt vấn đề.

Đồng tình với ông Thuận, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng phân tích: Mình cho mở casino ở Đồ Sơn nhưng BLHS quy định đánh bạc là tội. Như vậy, việc cho phép mở casino ở nơi này nơi kia đều trái với BLHS. “Trong khi có một quan điểm khác mà nhiều nước công nhận rằng đánh bạc là một nhu cầu của xã hội. Nhiều người muốn cuối tuần có tiền thì đi đánh bạc để xả stress. Nhà nước nên mở ra để thu thuế, đầu tư cho những phúc lợi xã hội khác. Thực tế là bây giờ có nhiều người dân TP.HCM sang Campuchia đánh bạc, tiền thì dân mất ở nước ngoài, thuế thì Campuchia thu, thiệt đơn thiệt kép mà chúng ta không xử được” - ông Vượng dẫn chứng. Theo ông Vượng, đến lúc nghiên cứu sửa tội đánh bạc thành hành vi đánh bạc trái phép và phi hình sự hóa loại tội này.

Giải thích về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật nhận thấy hiện nay, các cơ quan tư pháp ở địa phương và dư luận nhân dân có bức xúc trong việc áp dụng các quy định về tội đánh bạc. Tuy nhiên, khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại một số địa phương cho thấy việc bức xúc trên là do văn bản hướng dẫn của TAND tối cao về hành vi đánh đề chưa phù hợp, cần kiến nghị TAND tối cao sửa đổi văn bản hướng dẫn cho phù hợp. Còn nội dung điều luật thì chưa nên đặt ra sửa đổi, bổ sung lần này.

Xử lý pháp nhân: Mãi nghiên cứu!

Trước đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong một số lĩnh vực như thuế, môi trường, bà Thu Ba cho biết thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật cho rằng vấn đề này liên quan đến nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự Việt Nam là chỉ cá nhân mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là một vấn đề lớn, rất phức tạp, đụng chạm đến toàn bộ chính sách hình sự của nhà nước ta (từ cơ sở trách nhiệm hình sự, khái niệm tội phạm đến hệ thống hình phạt...). Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu cả về lý luận, thực tiễn, tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước để có phương án bổ sung thích hợp trong lần sửa đổi cơ bản BLHS hiện hành.

Không thật đồng tình với cách giải thích trên, ông Trần Thế Vượng cho rằng mấy chục năm rồi, mỗi khi sửa đổi lại đặt ra việc xem xét trách nhiệm hình sự pháp nhân. Nhưng mỗi lần đưa ra thì chỉ đặt vấn đề, rồi lại nói phải tiếp tục nghiên cứu, kết cục là vẫn để đó. Bây giờ đưa ra có khi năm năm nữa vẫn tiếp tục nghiên cứu.

Ông Vượng cũng cho rằng công tác thực thi pháp luật của ta đang có vấn đề. Dẫn chứng vụ Vedan, ông Vượng cho rằng người ta cứ nói không ngăn chặn được, không xử được là tại luật thì không phải. “Anh có thanh tra, kiểm tra rồi, có phát hiện sai phạm và xử lý hành chính rồi. Nhưng anh xử theo kiểu phạt xong rồi cho tồn tại. Lẽ ra thấy sai phạm thì anh phải đình chỉ ngay, yêu cầu khắc phục ngay chứ sao lại phạt rồi để đó? Câu chuyện cắt ngọn nhà cao tầng cũng thế, người ta xây sai thiết kế được cấp phép thì anh phạt và yêu cầu đình chỉ ngay chứ sao lại phạt rồi để người ta xây tiếp, rồi phạt lần hai? Pháp luật làm gì có điểm nào quy định phạt rồi cho tồn tại” - ông Vượng bức xúc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng cần phải gút vấn đề trách nhiệm pháp nhân chứ không thể nghiên cứu mãi. “Vừa rồi, nếu luật pháp chúng ta quy định rõ ràng về trách nhiệm pháp nhân thì có lẽ nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng đã không thể xảy ra” - ông Lưu nói.

Tội phạm tham nhũng: Chưa nên bỏ án tử hình

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Lê Quang Bình đều không đồng tình với quan điểm bỏ án tử hình đối với các tội liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh. “Bỏ các tội này sẽ bất lợi cho ta, tạo cơ hội cho kẻ thù” - ông Sơn nói. Ông Bình nhận định: “BLHS quy định tội phản bội tổ quốc là tội nặng nhất, tại sao tội nặng nhất lại không tử hình?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nói: “Tôi ủng hộ quan điểm ngày càng thu hẹp án tử hình và tiến tới bỏ hẳn án tử hình. Đó là bước tiến về nhân văn của xã hội. Không nên quá dựa vào các yếu tố chính trị để hình sự hóa tội phạm. Tôi đồng tình rằng một số tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia thì chưa nên bỏ án tử hình nhưng phải dựa vào những tình tiết hình sự để quy tội tử hình”.

Giống như phiên thảo luận ở Quốc hội, phần lớn ý kiến của UBTVQH với loại tội phạm tham nhũng thì vẫn giữ hình phạt cao nhất là tử hình. Riêng các tội vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy thì nên bỏ hình phạt tử hình.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm