Sửa hai luật về công an, quân đội: Chủ tịch nước bổ nhiệm các chức vụ quan trọng

Khi thảo luận, cho ý kiến việc sửa Luật Công an nhân dân chiều 15-4, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về cơ chế phối hợp, mối liên quan giữa việc Chủ tịch nước phong sĩ quan cấp tướng - thẩm quyền mới theo Hiến pháp 2013, với việc Thủ tướng bổ nhiệm chức vụ từ cấp cục tới thứ trưởng trong công an. Bởi lẽ với cơ chế hiện nay, cấp bậc, quân hàm sĩ quan trong lực lượng vũ trang gắn liền với chức vụ mà người đó nắm giữ.

Phải hiểu đúng vị trí thống lĩnh của Chủ tịch nước

“Tôi đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh. Không biết việc lên chức thì có lên hàm luôn? Hiến pháp tăng thẩm quyền cho Chủ tịch nước nhưng triển khai thấy vướng vì chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục. Vậy có đưa vào luật này không?” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu.

Hóa giải các băn khoăn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - người từng đứng đầu Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp giải thích vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước cần được hiểu theo nghĩa tổng tư lệnh tối cao. Tức là Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm các chức vụ đặc biệt quan trọng, như chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tổng tham mưu trưởng, đô đốc. Kèm theo đó là phong, giáng hàm cấp tướng. Còn bổ nhiệm các chức danh nhà nước, kể cả thứ trưởng trong công an, quân đội thì vẫn thuộc phạm vi quản lý nhà nước. Do đó, tùy vị trí mà Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm hoặc do bộ trưởng Công an, bộ trưởng Quốc phòng quyết định.


Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu về dự án Luật Công an Nhân dân (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

“Vị trí của Chủ tịch nước rất đặc biệt. Bổ nhiệm đại sứ, theo nghĩa thay mặt quốc gia về quan hệ ngoại giao với nước nào đó chứ không bổ nhiệm thứ trưởng Ngoại giao - chức cao hơn đại sứ. Tương tự, Chủ tịch nước bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao chứ không bổ nhiệm tất cả thẩm phán. Thống lĩnh lực lượng vũ trang cũng theo nghĩa ấy. Còn quản lý nhà nước thì vẫn là Chính phủ, mà người đứng đầu là Thủ tướng” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn giải.

Đi vào các nội dung cụ thể, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh do Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa trình bày cho rằng dự thảo của Bộ Công an “chưa thực hiện triệt để” các yêu cầu của Bộ Chính trị về sửa hai luật liên quan đến công an, quân đội.

Đó là chưa xác định rõ, chặt chẽ các vị trí công tác có nhu cầu phải phong hàm tướng, dẫn tới hầu hết các cục, vụ trưởng được nâng trần quân hàm lên tướng - cao hơn quy định hiện hành là cấp tá. Thậm chí người đứng đầu các đơn vị sản xuất kinh doanh (Viễn thông Toàn cầu - Gtel), cơ quan báo chí (báo Công An Nhân Dân, Truyền hình An ninh)… cũng có thể giữ hàm tướng.

Công an - quân đội: Không nên so bì

Với việc cho phép một số vị trí cấp phó - như thứ trưởng thứ nhất, phó tổng cục trưởng thứ nhất… được trần quân hàm ngang bằng cấp trưởng, công an có thể sẽ có hai đại tướng và việc các tổng cục có nhiều trung tướng như hiện tại sẽ được hợp thức hóa. Như thế không phù hợp với nguyên tắc cấp phó thấp hơn cấp trưởng một bậc.

Ngoài ra, quy định hàm thiếu tướng tới trung tướng cho giám đốc Công an TP Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Thanh Hóa là “chưa thống nhất cấp hàm tương đương bên quân đội (hiện chỉ cấp tá - PV)” - ông Khoa nhận xét.

Đồng tình với báo cáo của ông Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết ủy ban mình đã họp tập thể góp ý dự luật. Theo đó, quan điểm chung là không nên hiểu chỉ đạo của Bộ Chính trị cấp hàm quân đội - công an tương đương không có nghĩa là cấp bộ bên quân đội có nhiều đại tướng thì công an cũng có thể thêm đại tướng. Cũng không nên so sánh đặc thù chế độ chính ủy trong quân đội (ngang cấp với người đứng đầu đơn vị - PV) để đưa vào luật cơ chế một cấp phó ngang trần quân hàm cấp trưởng.

Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp cho rằng việc đưa vào luật quy định đảm bảo nhà, đất ở cho sĩ quan CAND nên được cân nhắc kỹ. Cần xem điều này có phù hợp với thực tiễn, với các luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, cũng như tính khả thi.

Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn - người được phân công theo dõi mảng an ninh, quốc phòng yêu cầu Bộ Công an tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, góp ý của Thường vụ Quốc hội. Dự thảo cần được hoàn thiện, đảm bảo quán triệt toàn diện các thông báo của Bộ Chính trị. Các nội dung sửa đổi phải được giải trình, lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Trên cơ sở đó mới trình xin ý kiến Quốc hội theo quy trình chặt chẽ tại hai kỳ họp.

Liên quan đến nội dung này, hôm nay Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến việc sửa Luật Sĩ quan QĐND.

NGHĨA NHÂN

 

Hàm tướng cho công an tỉnh: Hai ý kiến ủng hộ

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Kso Phước là hai người ủng hộ việc nới trần quân hàm lên cấp thiếu tướng cho giám đốc công an một số tỉnh, thành. “So sánh công an với quân đội mức độ thôi. Thời chiến thì quân đội là chủ lực, còn thời bình công an mới tác chiến thực sự trên các lĩnh vực an ninh, trật tự trị an” - ông Kso Phước nói.

Tuy nhiên, cả hai đều cho rằng không nên quy định cụ thể địa phương nào được nâng trần, mà nên đưa ra các tiêu chí. Chẳng hạn, ngoài Hà Nội, TP.HCM rất đặc thù, giám đốc công an có thể là trung tướng thì cứ tỉnh có dân số trên 3 triệu và thành phố trực thuộc trung ương thì giám đốc có thể hàm thiếu tướng.

Ngoài ra, cả hai vị ủy viên Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định trần cấp hàm cần công bằng giữa người làm công tác tham mưu, ngồi văn phòng, giúp việc trực tiếp cho lãnh đạo (bộ trưởng, giám đốc công an tỉnh) với lãnh đạo các đơn vị trực tiếp chiến đấu như cảnh sát vũ trang, phòng cháy chữa cháy.

“Hồi tôi đánh Ful-rô, có đến chín cán bộ, chiến sĩ hy hinh. Công lao trực tiếp là ở anh em trực tiếp chiến đấu như thế, mà trung tướng lại chỉ mấy đồng chí trên bộ thì không khuyến khích được anh em cống hiến, chiến đấu đâu. Tôi nói đây là thực tế, là người ngồi trong chăn đấy” - ông Kso Phước, người từng làm giám đốc công an một tỉnh ở Tây Nguyên, góp ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm