Sửa Luật Đất đai để bỏ hạn điền: Có chính sách để tránh hệ quả xấu

Như số báo trước đã phản ánh, nhiều nông dân và chuyên gia cho rằng sửa Luật Đất đai lần này, một trong những vấn đề cần giải quyết căn cơ là phải xóa bỏ quy định về hạn điền và giao đất lâu dài cho nông dân. Chỉ như vậy mới tạo điều kiện để nông dân an tâm đầu tư sản xuất, sử dụng đất hiệu quả theo hướng công nghiệp hóa. Nhưng việc này lại dẫn đến hệ lụy là không ít những người nông dân mất đất sẽ mưu sinh bằng cách nào? Pháp Luật TP.HCM tiếp tục giới thiệu ý kiến một số chuyên gia về vấn đề này.

Đụng tới Luật Đất đai thì rất phức tạp, đặc biệt là về hạn điền, mục đích sử dụng, thời gian sử dụng và chủ thể sử dụng đất. Về hạn điền, nếu chấp nhận kinh tế hội nhập và cạnh tranh thì việc hạn điền phải rõ quy mô kinh tế sử dụng đất hiệu quả, khả năng quản lý và khả năng đầu tư của chủ sở hữu. Hiện nay đất đai manh mún và nhỏ lẻ từng nông hộ thì khó để thực hiện chiến lược “tam nông” và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Vì thế mở rộng hạn điền là cần thiết.

Tích tụ ruộng đất là tất yếu

Sửa Luật Đất đai để bỏ hạn điền: Có chính sách để tránh hệ quả xấu ảnh 1

Ông Bùi Văn Hùng, một nông dân không còn đất, hiện làm công nhân cơ khí cho Công ty TNHH Anh Huy (xã Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang) và đã thoát nghèo. Ảnh: VĨNH SƠN

Tiêu điểm

9

triệu lao động nông thôn sẽ phải chuyển sang ngành nghề phi nông nghiệp vào thời điểm 2020. Đó là tính toán được ông Lã Văn Lý, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đưa ra tại một hội thảo vào tháng 5-2009.

Xu thế chung là nếu nông dân yêu nghề nông và có năng lực tổ chức kinh doanh tốt thì bằng cách này hoặc cách khác họ cũng tích tụ ruộng đất qua việc nhờ bà con đứng tên hoặc hình thức hợp tác hợp lý. Ở ĐBSCL có rất nhiều kiểu liên kết và tích tụ đất để “né luật” về hạn điền. Thí dụ từ tiền lãi thu về sau mỗi vụ mùa, họ mua đất thêm bằng cách dàn xếp với mỗi chủ giấy đỏ đứng tên giùm mình. Và phần lớn những người chủ giấy của mảnh đất 1-2 ha sau khi bán đất cho chủ mới được thu dụng làm công cho chủ mới một cách hợp lý, không bận tâm lo tiền cày cấy, mua giống, mua thuốc, mua phân, bơm nước. Mọi thứ tính toán trên 1-2 ha trước đây đều có nông dân hoặc doanh nghiệp nông thôn làm ăn giỏi toan tính và nối kết sản xuất với thị trường. Điển hình như anh Sáu Đức (Nguyễn Lợi Đức) ở Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang; anh Hùng và chị Hạnh (Lê Thị Hạnh) ở Thoại Sơn, An Giang; anh Ba Tráng (Trần Văn Tráng) ở Hưng Điền, Tân Hưng, Long An; anh Út Huy (Võ Quang Huy) ở Đức Huệ, Long An. Anh Ba Hạo (Đỗ Hữu Hạo) ở Hòn Đất, Kiên Giang có hàng trăm hecta chuyên trồng khoai lang xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc và rất nhiều chủ trang trại trồng lúa lớn hơn 20 ha ở vùng ĐBSCL.

Nếu cho tích tụ ruộng đất không giới hạn bằng hạn điền sẽ dẫn đến hệ lụy cần giải quyết là việc mưu sinh của những nông dân mất đất. Hiện nay ở ĐBSCL có hơn 35% nông dân không có hoặc có ít đất sản xuất. Do vậy đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn như di dân để tìm việc ở TP lớn hoặc tiếp tục đeo bám đất đai với diện tích nhỏ thì thu không đủ chi và họ càng ngày càng nghèo.

Phải có chính sách cho nông dân mất đất

Tuy vậy như đã phân tích ở trên, trong xu thế kinh tế hội nhập và cạnh tranh thị trường thì phải xuất hiện nông dân giỏi và họ có kế hoạch tích tụ ruộng đất với mọi hình thức. Để giải quyết vấn đề này Nhà nước cần có chiến lược phát triển nông thôn (tam nông) một cách toàn diện, dài hạn với mục tiêu là tăng thu nhập và tạo cơ hội việc làm nông dân ở nông thôn. Các chiến lược về công nghiệp hóa nông thôn qua phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy hải sản, công nghiệp nhẹ và dịch vụ nông thôn, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải đầu tư hiệu quả, trọng tâm theo lợi thế từng địa phương, từng tiểu vùng và toàn vùng. Đồng thời, đào tạo nghề nông thôn cũng cần suy xét, hỗ trợ và hiệu quả cho chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đặc biệt cho đối tượng nông dân ít và không đất. Về dài hạn phải có chính sách hỗ trợ cho con cháu của họ có cơ hội học hành tốt để chuyển dịch lao động có hiệu quả trong tương lai dài hạn.

Tích tụ ruộng đất bắt buộc phải có chính sách kèm theo và lâu dài cho nông dân mất đất và ít đất sản xuất qua các chương trình phát triển kinh tế nông thôn, tạo cơ hội việc làm và tăng lao động phi nông nghiệp nông thôn. Nếu không như vậy thì sẽ chỉ được về mặt kinh tế cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại khó khăn lâu dài về mặt xã hội.

Tránh việc đào tạo để giải ngân

Tích tụ ruộng đất không chỉ là điều kiện mà còn là yêu cầu của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn nhưng quá trình này tất yếu dẫn đến một bộ phận lao động nông nghiệp dôi dư. Như vậy phải đào tạo nghề cho nông dân, tạo cơ hội cho họ có việc làm, có thu nhập ổn định và việc đào tạo phải theo nhu cầu của người dân.

Chính phủ đã phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với tổng kinh phí thực hiện gần 26.000 tỉ đồng nhưng qua hơn hai năm thực hiện vẫn chưa đạt yêu cầu, trong đó khâu đào tạo chưa ổn và phải chấn chỉnh ngay việc đào tạo để giải ngân. Và không chỉ đào tạo nông dân để làm nông dân mà cần mở rộng để đào tạo nông dân phục vụ cho lĩnh vực phi nông nghiệp.

TS LÊ VĂN BẢNH, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL

Nên có những ưu đãi riêng

Việc giao đất hàng loạt cho nông dân thực hiện từ năm 1993, đã qua gần 20 năm. Từ đó đến nay số người sinh ra rất nhiều nhưng không được giao đất vì không còn đất trống. Cùng với đó, số người không có đất sản xuất còn là những người bị thu hồi đất, bán đất.

Theo tôi, cần có chính sách an sinh xã hội riêng cho các đối tượng này như họ được hỗ trợ về vốn để sản xuất, được miễn một số khoản đóng góp, được hỗ trợ khi khám, chữa bệnh... Cùng với đó, các thủ tục hành chính về thường trú, tạm trú cũng cần thuận lợi, để người nông dân dễ dàng đến nơi khác sinh sống và làm việc.

Nhà nước cần đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân không còn đất. Nhưng trước khi làm việc này, phải tìm hiểu xem người dân cần nghề gì và họ phù hợp với nghề nào.

Ông LÊ ĐỨC THỊNH, Trưởng bộ môn Thể chế nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn)

H.VÂN ghi

PGS-TS NGUYỄN VĂN SÁNH, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (ĐH Cần Thơ)

GIA TUỆ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm