Tham nhũng quyền lực: “Độc tố” nguy hiểm nhất

Sáng 15-1, tại TP.HCM, hội thảo “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam hiện nay” do tạp chí Cộng Sản phối hợp với ĐHQG TP.HCM tổ chức đã chính thức diễn ra. Hầu hết các đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo đều cho rằng ở Việt Nam hiện nay có tham nhũng quyền lực và đây là dạng tham nhũng gây nguy hại rất lớn cho sự phát triển của đất nước.

Liên minh “tiền + quyền”

Ngay trong phát biểu đề dẫn cho hội thảo, PGS-TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập tạp chí Cộng Sản, đặt vấn đề: “Tham nhũng gồm những gì? Vật chất, tiền tài, đất đai… những cái này ai cũng nhận ra. Thế có tham nhũng quyền lực không? Nếu không thì chạy chức, chạy quyền làm gì? Cố sống cố chết, thậm chí bằng mọi thủ đoạn cố giữ lấy chức vụ, ghế ngồi… thì có phải là tham nhũng quyền lực không? Cùng đó là tình trạng biến quyền lực được nhân dân giao cho thành “vật sở hữu riêng” để mưu toan đoạt lợi, vì lợi ích nhóm, thậm chí để kéo bè kéo cánh, chia rẽ nội bộ, đe dọa nhân dân… thì có phải là tham nhũng không?”.

Bắt mạch cho vấn đề này, GS-TS Hoàng Chí Bảo, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chỉ rõ: “Chạy danh, chạy chức, chạy quyền đã và đang diễn ra bằng tiền và vì tiền”. Theo GS Bảo, khi chức quyền được huy động vào việc lợi dụng trục lợi, tạo ra cái giá của chức quyền, địa vị thì xuất hiện tham nhũng chính sách. “Trong đà phát triển của kinh tế thị trường, khi đồng tiền lên ngôi, có thể thao túng cả bộ máy quyền lực và những người nắm giữ, thực thi quyền lực được nhân dân ủy thác để mưu lợi riêng, làm giàu bất chính, bất nghĩa thì xuất hiện quyền lực của đồng tiền. Sự liên minh ma quỷ giữa quyền và tiền của những công chức, quan chức thoái hóa với những kẻ nắm tiền, dùng tiền chi phối quyền lực, gây ảnh hưởng tới việc hoạch định và thực thi chính sách, luật pháp” - GS Bảo phân tích.

Tham nhũng quyền lực: “Độc tố” nguy hiểm nhất ảnh 1

Các đại biểu đang thảo luận về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Ảnh: NT

Hậu quả khó lường

Cũng theo GS Bảo, tham nhũng về quyền lực, chính sách là tham nhũng nặng nề và nguy hiểm nhất vì “nó bộc lộ sự hư hỏng của con người, sự vẩn đục trong bộ máy, sự đánh mất nhân cách, liêm sỉ, lòng tự trọng, nghĩa vụ, bổn phận của người cán bộ, công chức; đó chính là những kẻ thoái hóa biến chất. Thoái hóa đạo đức, biến dạng của quyền lực tất yếu dẫn tới phi pháp, phạm pháp”.

Đánh giá về mức độ của dạng tham nhũng này, GS Bảo nhìn nhận: “Thực trạng này là gay gắt, nghiêm trọng, trở nên bức xúc, nhức nhối, là tệ nạn, như một độc tố làm hỏng cả bộ máy lẫn con người. Nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập với sự gia tăng những mặt trái, những hệ lụy của nó”.

Đồng tình với nhận định trên, PGS Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng: “Đỉnh cao của tham nhũng hiện nay chính là tham nhũng quyền lực. Quyền lực vừa là công cụ, giải pháp để chống tham nhũng vừa trở thành đối tượng, mục tiêu tấn công của tham nhũng”. Điều đáng báo động hơn ở đây, theo PGS Tiến, là “quyền lực lôi kéo quyền lực vào tham nhũng. Tức đã có sự liên kết các nhóm quyền lực của những người thoái hóa, biến chất đang nắm quyền để cùng tham nhũng. Biến liên kết quyền lực ấy trở thành “bà đỡ” che chắn để thâu tóm tài sản nhà nước, mồ hôi, nước mắt của nhân dân. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì hậu quả khó lường”.

Nêu rõ quyết tâm diệt giặc tham nhũng

Các đại biểu đều cho rằng Đảng và Nhà nước ta trong suốt thời gian qua đã dành nhiều tâm huyết cho công cuộc PCTN nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Vấn đề trên hết lúc này là cần biến quyết tâm chính trị thành hành động chính trị; kiên quyết xử lý tội phạm tham nhũng đến nơi đến chốn. Từ đó mới lấy lại lòng tin của nhân dân, huy động sức dân, lấy lòng dân làm điểm tựa để chống tham nhũng. “Phải xem đây là cuộc chiến lớn, nêu rõ quyết tâm diệt giặc tham nhũng chứ không có chuyện thương lượng, hòa hoãn với những thành phần này” - GS Trần Đình Bút thẳng thắn đề nghị.

GS Hoàng Chí Bảo cũng đề xuất: “Pháp luật, đặc biệt là luật chống tham nhũng phải coi chống tham nhũng là chống một tội ác xã hội, là trừng trị cái ác để bảo vệ cái thiện vì sự bình yên của cuộc sống, sự an toàn của phẩm giá, sự lành mạnh của xã hội. Đã tham nhũng thì phải trừng trị. Quyền càng cao, chức càng to thì phải xử càng nặng để nêu gương, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Nhiều giải pháp khác cũng được các đại biểu đề xuất như giáo dục lòng liêm sỉ cho cán bộ; bịt kín các lỗ hổng trong cơ chế chính sách hiện nay; có cơ chế kiểm tra, công khai tài sản cán bộ, công chức và thu hồi tài sản không chính đáng do tham nhũng; trao quyền mạnh hơn và thực quyền cho bộ máy PCTN…

Hiện tượng chạy chức, chạy quyền là có thật trong xã hội nhưng rất tinh vi, phức tạp, che đậy rất kín đáo. Cho nên muốn chỉ rõ ai chạy chức, chạy quyền, ai nhận chạy chức, chạy quyền là rất khó. Tôi nghĩ nên có một nghị quyết của Đảng về chống chạy chức, chạy quyền như một đại biểu đã đề xuất tại hội thảo. Cùng đó phải có cơ chế, chế tài để ngăn chặn tình trạng này.

Hiện nay công tác cán bộ có nhiều điều cần suy nghĩ. Trong đó có vấn đề chọn được người thực tài, thực đức cống hiến cho xã hội, cho nhân dân. Phải suy nghĩ thêm về vấn đề Đảng chọn dân bầu. Về nguyên tắc là đúng nhưng theo tôi cần có nhiều ứng viên cho một vị trí. Lấy cơ sở tài, đức để Đảng lựa chọn, đưa ra dân bầu. Đây cũng là một cách tránh chạy chức, chạy quyền.

PGS-TS VŨ VĂN PHÚC, Tổng Biên tập tạp chí Cộng Sản

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm