Thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch xã: Không nên hạn chế số lượng ứng cử viên

Hôm qua (9-10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ở 100 huyện của 10 tỉnh. Đồng thời, thí điểm việc nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND ở 385 xã của 39 tỉnh, thành phố.

Dân có quyền bãi nhiệm chủ tịch xã

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, ứng cử viên chủ tịch UBND xã được giới thiệu từ ba nguồn: một là từ HĐND và UBND xã; hai là từ nhân dân các thôn, ấp, bản; ba là những người có đủ tiêu chuẩn tự ứng cử. MTTQ xã sẽ hiệp thương chọn ra hai ứng cử viên có tín nhiệm cao nhất để nhân dân bầu. Ứng cử viên chủ tịch UBND xã không nhất thiết phải là đảng viên. Người trúng cử chủ tịch xã đương nhiên là đại biểu HĐND xã, chịu sự giám sát của nhân dân và HĐND.

Khi chủ tịch xã muốn nghỉ vì lý do cá nhân hoặc chuyển công tác thì phải làm đơn trình chủ tịch UBND huyện quyết định. Chủ tịch xã vi phạm pháp luật sẽ bị HĐND xã biểu quyết bãi nhiệm trước khi trình chủ tịch UBND huyện quyết định. Trong trường hợp chủ tịch xã mất uy tín, không còn được nhân dân tín nhiệm thì sẽ bị bãi nhiệm khi có một phần ba cử tri trong xã có văn bản đề nghị gửi lên MTTQ xã.

Không nên giới hạn số ứng cử viên

Thẩm tra đề án, Ủy ban Pháp luật cho rằng chức danh người đứng đầu cơ quan hành chính cấp xã được dân bầu trực tiếp nên nó là thiết chế bình đẳng với HĐND, không phải cơ quan chấp hành của HĐND, vì vậy cần một tên gọi mới phù hợp hơn tên gọi “chủ tịch UBND”. Nếu chỉ chọn hai ứng cử viên để bầu một thì sẽ hạn chế quyền dân chủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhận định rằng bầu trực tiếp chủ tịch xã trong điều kiện hiện nay là việc làm không đơn giản vì tính chất cục bộ thôn, làng, dòng. Vì vậy, cần phải lường trước được những khó khăn để có giải pháp xử lý trong quá trình thực hiện thí điểm. Trưởng ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên cho rằng cần xử lý tốt mối quan hệ giữa chủ tịch xã do dân bầu với đảng bộ, thường vụ đảng ủy xã. Ông Tuyên đề nghị không nên giao quyền lực tuyệt đối cho chủ tịch xã.

HĐND là hình thức?

Một trong những lý do để bỏ HĐND huyện, quận, phường được đề án đưa ra là lâu nay hoạt động của HĐND ở những cấp này kém hiệu quả và hình thức. Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng “bắt bẻ”: Đề án nói rằng hoạt động của HĐND cấp này là hình thức, nên bỏ nó đi nhưng lại quy định những nhiệm vụ, quyền hạn lâu nay của HĐND huyện một phần chuyển giao cho UBND huyện, một phần chuyển giao cho HĐND tỉnh. Nếu đề án đã chứng minh rõ rằng cả kinh nghiệm và lịch sử đều cho thấy sự tồn tại của HĐND cấp quận, phường ở đô thị và HĐND cấp huyện ở nông thôn là không cần thiết thì cần gì phải thí điểm nữa. Vì vậy, cần phân tích rõ tại sao phải thí điểm chứ không nên bác hết ý nghĩa sự tồn tại của HĐND hiện tại.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Kso Phước đặt vấn đề: Không còn HĐND thì ai giám sát ông chủ tịch huyện? Nói nhân dân giám sát chung chung là không được, nhân dân phải có tổ chức để giám sát và thể hiện quyền lực của mình. Ông Phước đề nghị cần làm rõ mô hình tổ chức chính quyền và thiết chế đảm bảo quyền dân chủ của dân ở những nơi thực hiện thí điểm.

Một số ý kiến của Ủy ban Pháp luật cũng băn khoăn về tính hợp hiến của đề án này vì việc thực hiện thí điểm sẽ tạo ra một mô hình chính quyền khác với quy định của Hiến pháp 1992. Vì vậy, nên sửa chương 9 Hiến pháp 1992 trước khi thực hiện đề án. Tuy nhiên, một số ý kiến khác của Ủy ban Pháp luật lại cho rằng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, việc thí điểm để hoàn thiện mô hình là cần thiết, phù hợp với thực tiễn và lịch sử. Tán thành loại ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: “Cần mạnh dạn làm điểm để có thực tiễn rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, cần nói rõ trước Quốc hội những khó khăn, phức tạp có thể xảy ra để minh bạch vấn đề và tạo sự đồng thuận”.

Sẽ giám sát án tham nhũng, án treo và thi hành án tử hình

Sáng qua (9-10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận chương trình giám sát của QH năm 2009. Theo đó, UBTVQH sẽ trình QH giám sát ba nội dung sau: Việc quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm; chương trình giáo dục ở các bậc học và việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa.

Trước nhiều vấn đề bức xúc, đáng quan tâm của công tác dân tộc và miền núi, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Kso Phước đề nghị UBTVQH chọn một vấn đề để giám sát trong năm 2009. “Dự án thủy điện Sơn La là dự án quốc gia, được thực hiện theo nghị quyết của QH. Dự án di dân tái định cư là vấn đề lớn, quá trình thực hiện có nhiều vấn đề cần xem xét, tôi đề nghị UBTVQH giám sát nội dung này” - ông Kso Phước nói. Ý kiến này được UBTVQH tán thành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba đề nghị cần giám sát các vụ án tham nhũng, án treo, đi sâu vào giám sát một số vụ án tham nhũng cụ thể. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng cho rằng nên giám sát xem tại sao đến nay vẫn còn 50 trường hợp tòa đã tuyên tử hình nhưng chưa thi hành án. UBTVQH đồng tình với đề nghị trên và đồng tình với phần lớn ý kiến cho rằng sau các cuộc giám sát thì QH phải ra nghị quyết về những vấn đề được giám sát.

Kỳ họp thứ tư của QH sẽ khai mạc vào ngày 16-10, dự kiến làm việc trong thời gian một tháng.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm