Thi hành án: Thừa việc, thiếu người hơn 50 luật sư bị kỷ luật

Dự thảo báo cáo của Bộ Tư pháp nêu trong ba năm qua, Bộ Tư pháp đã khẩn trương soạn thảo theo đúng tiến độ các văn bản pháp luật được giao trong lĩnh vực cải cách tư pháp. Riêng bộ luật, luật, pháp lệnh gồm 16 văn bản, trong đó 9/16 đã ban hành, hai luật đã được Quốc hội cho ý kiến và năm luật, bộ luật sẽ trình xin ý kiến Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2008...

Tuy nhiên, Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên nhận định việc đề xuất nội dung hình thức, thẩm quyền ban hành văn bản của Bộ chưa thật sự khoa học, trong một số trường hợp còn thiếu các căn cứ thực tiễn vững chắc; nhiều khâu làm không thật kỹ lưỡng dẫn đến phải làm lại từ đầu như dự thảo Bộ luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Xử lý vi phạm hành chính...

Theo dự thảo báo cáo, số lượng luật sư hiện có so với dân số còn rất thấp, trung bình hơn 20 ngàn người dân mới có một luật sư. Thực tế chỉ khoảng 20% vụ án hình sự trong cả nước có sự tham gia của luật sư. Ở nhiều địa phương, số lượng luật sư không đủ để bào chữa ngay cả trong các vụ án bắt buộc phải có sự tham gia của luật sư. Chất lượng của đội ngũ luật sư cũng còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, hơn 50 luật sư, người tập sự hành nghề luật sư bị xử lý kỷ luật, trong đó 30 trường hợp bị xóa tên. Hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu chưa thành lập được đoàn luật sư vì không có đủ ba luật sư theo quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Luyện, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, năm 2008, lực lượng thi hành án đã thi hành xong gần 290 ngàn việc, đạt hơn 70%, thu được gần 3.600 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 8 năm nay, cả nước có hơn 330 ngàn việc chưa thi hành án được, trong đó hơn 200 ngàn việc không có điều kiện thi hành. Ông Luyện cho biết đây là số án tồn trong 15 năm nay trong khi thi hành án đã thực hiện được khoảng ba triệu vụ việc.

Bên cạnh đó, tình trạng khiếu nại về thi hành án cũng còn nhiều bức xúc do bản án tuyên không “thấu lý đạt tình” hoặc do chấp hành viên có sai sót. Ông Luyện chỉ ra bất cập trong quy định về chấp hành viên gây khó khăn trong việc luân chuyển cán bộ. Thi hành án cấp tỉnh muốn điều động, tăng cường cho cấp huyện sẽ phải miễn nhiệm chấp hành viên cấp tỉnh, bổ nhiệm chấp hành viên cấp huyện. “Nhưng cũng không ai muốn xuống cấp huyện vì lương, phụ cấp của cấp tỉnh cao hơn cấp huyện rất nhiều” - ông Luyện cho biết.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm