Thi tuyển lãnh đạo: Vận dụng linh hoạt các quy định

Ông Bùi Văn Biết, chuyên viên phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ tỉnh Long An, cho hay thực hiện thi tuyển cạnh tranh chức danh trưởng, phó phòng là thí điểm một cơ chế mới nên trong quá trình thực hiện, tỉnh cũng gặp một số khó khăn về quan điểm, cơ chế, phương pháp, nội dung và công tác tổ chức thi. Tuy nhiên, tỉnh vẫn mạnh dạn thực hiện, tìm ra những vướng mắc để khắc phục, rút kinh nghiệm chung.

Chấp nhận khó để tìm ra cơ chế mới

Nếu như Đà Nẵng thí điểm thi tuyển lãnh đạo đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, chủ yếu trong khối giáo dục thì Long An thực hiện trong khối hành chính. Theo ông Biết, Long An đã thí điểm thi tuyển cạnh tranh chức danh trưởng, phó phòng cho hơn 10 phòng, ban của các huyện và ba sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường.

Tương tự TP.HCM, trong quá trình thực hiện, Long An cũng bị vướng một số khó khăn về cơ chế Đảng lãnh đạo cán bộ. Tuy nhiên, ông Biết khẳng định những khó khăn này không lớn vì thực hiện thí điểm phải chấp nhận khó để tìm ra cơ chế mới thích hợp. “Mục tiêu cuối cùng của đề án là cốt làm sao tìm cho được và bố trí cho được cán bộ có chất lượng cao vào các vị trí lãnh đạo, quản lý” - ông Biết nhấn mạnh.

Ông Biết cũng thừa nhận khi thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo sẽ đụng đến Nghị quyết 42/TW về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, nếu vận dụng linh hoạt thì vẫn thực hiện được mà không trái với quan điểm lãnh đạo toàn diện về công tác cán bộ của Đảng. Cụ thể là trong vận dụng phải có sự phối hợp, miễn làm sao khi thực hiện thi tuyển cạnh tranh không làm mất vai trò lãnh đạo của các cấp ủy về công tác cán bộ. “Tỉnh cũng đã tính toán và bố trí công việc hợp lý cho những người đương chức nên không gặp vướng mắc gì” - ông Biết nói.

Bỏ phiếu tín nhiệm để loại lãnh đạo tồi

Theo ông Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM, việc thi tuyển lãnh đạo là rất cần thiết nhưng cần xác định không phải cứ trúng tuyển là được giữ cái ghế đó mãi. “Kể cả lúc anh đang làm lãnh đạo thì cũng chính là lúc anh đang thi tuyển” - ông Sanh nói.

Ông Sanh kể lại kinh nghiệm khi còn làm tổng giám đốc Tổng Công ty Vật liệu xây dựng và xây lắp của Bộ Nội thương (những năm 1990). Hồi đó, tổng công ty đưa ra bốn tiêu chuẩn để loại một giám đốc tồi như không hoàn thành kế hoạch của đơn vị mà không có lý do chính đáng; để tổn thất tài sản công do tiêu cực nội bộ; để nội bộ mất đoàn kết kéo dài; để đời sống cán bộ, công nhân viên gặp nhiều khó khăn, cán bộ giỏi bỏ đi nơi khác. Hàng năm đều tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm để đánh giá. Người nào vẫn được tín nhiệm thì tiếp tục giữ vị trí đó, nếu không thì phải trả lại ghế. Lúc này trong cơ quan, ai thấy mình đủ khả năng thì có thể tự ứng cử. Đơn vị đồng ý thì cho người này đảm nhận chức danh đó trong sáu tháng với mọi quyền lực như người giữ chức vụ chính thức. Sau thời gian thử thách, nếu họ làm tốt thì sẽ được chính thức giữ vị trí đó.

Với cách làm này, không việc gì phải lo lắng xem người đó có tận tâm không, có trung thành phục vụ không. Làm như vậy cũng sẽ thúc đẩy người đang đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo phải phấn đấu liên tục để giữ cái ghế của mình.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm