DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Thiết lập cơ chế để dân bảo vệ Hiến pháp

Vậy thiết chế bảo hiến đó đã được nghiên cứu thế nào và vì sao đến nay mới xuất hiện trong dự thảo? Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn TS Dương Thanh Mai- chuyên gia cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, thành viên Ban Biên tập dự thảo HP sửa đổi.

TS Dương Thanh Mai:

+ Từ lâu chúng ta đã có một số hình thức bảo vệ HP. Chẳng hạn, QH đã tổ chức các ủy ban có vai trò thẩm tra dự án luật, trong đó Ủy ban Pháp luật phải phát biểu về tính hợp hiến, hợp pháp. Khâu trước đó, khi CP dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định, mà một nội dung quan trọng là đánh giá tính hợp hiến. Đấy là tiền kiểm, còn hậu kiểm thì từ lâu cấp trên vẫn có trách nhiệm kiểm tra, xử lý văn bản của cấp dưới và đình chỉ, hủy bỏ nếu trái với HP, luật, văn bản của cấp trên. Đến năm 2003 thì ngành tư pháp hình thành hệ thống chuyên trách giúp CP và UBND cấp tỉnh kiểm tra VBQPPL…

Nhưng cơ chế ấy còn chưa “chính danh”. Mặt khác, hậu kiểm đang làm là chỉ với nghị định trở xuống, còn luật do QH đã ban hành mà có nội dung vi hiến thì chưa có cơ chế xử lý. Vì vậy, vấn đề bảo hiến được đặt ra là với hàm ý cần có thiết chế cụ thể, được quy định trong HP, khắc phục được những hạn chế của cơ chế hiện hành.

Nhiều đồng thuận

. Vậy quá trình nghiên cứu cơ chế bảo hiến theo nghĩa đầy đủ hơn đến nay được tiến hành thế nào?

+ TS Dương Thanh Mai: Từ lâu chúng ta đã thấy những khiếm khuyết của cơ chế hiện hành. Đến Đại hội X, Đảng xác định phải “xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền” và “xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm HP trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy có thể nói vấn đề bảo hiến đã được Đảng đặt ra chính thức và khá toàn diện.

Thiết lập cơ chế để dân bảo vệ Hiến pháp ảnh 1

Huy động trí tuệ góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: TTXVN

Trên cơ sở này, Đảng đoàn QH đã chủ trì đề án nghiên cứu khá công phu về bảo hiến. Nhưng lúc ấy sửa đổi HP chưa được đặt ra...

. Tới khóa XI, Đảng - ở cấp độ cao nhất là Đại hội - quyết định chủ trương là sửa HP. Vậy sau đó cơ chế bảo hiến tiếp tục được xem xét thế nào?

+ Đề án bảo hiến ở khóa X là cơ sở lý luận quan trọng để vấn đề này tiếp tục được thảo luận trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi HP. Ban Biên tập dự thảo HP sửa đổi lập các tổ nghiên cứu theo từng nhóm vấn đề HP và có một nhóm lo việc tổng kết việc thực hiện HP 1992. Cả kết quả của nhóm tổng kết và kết quả nghiên cứu của các tổ nội dung đều có kiến nghị phải xây dựng cơ chế bảo hiến. Tất cả kiến nghị đó được tổng hợp để trình xin ý kiến Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5-2012) để có định hướng nội dung cho việc sửa HP.

Cần thiết chế bảo hiến độc lập

. Vậy tại sao dự thảo HP sửa đổi trình QH kỳ họp tháng 10-2012 lại không có điều khoản nào về thiết chế bảo hiến?

+ Thực ra, trước dự thảo trình QH thì ở khâu biên tập đã hình thành một số dự thảo khác, mà có lúc bảo hiến đã được đưa vào như một thiết chế hiến định. Nhưng đây là vấn đề rất mới với VN. Kinh nghiệm các nước thì khá nhiều, chẳng hạn chức năng bảo hiến giao cho tòa án tối cao, hoặc lập một tòa án riêng về bảo hiến, hoặc hội đồng bảo hiến độc lập với QH. Tuy nhiên, ở ta lại phải đáp ứng nguyên tắc QH là cơ quan quyền lực cao nhất nên cơ quan bảo hiến đặt ở đâu, mối quan hệ với QH thế nào… rất khó xử lý.

Vấn đề này, ở trung ương cũng nhiều ý kiến khác nhau nên cuối cùng định hướng là cứ đưa ra nhiều phương án để QH thảo luận. Vì thế, dự thảo trình QH tuy không có thiết chế bảo hiến nhưng trong tờ trình, nội dung này vẫn được đưa vào trong mục “một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau”, lấy đó làm cơ sở để QH bàn thêm.

. Nghĩa là chưa đến hai tháng sau, bảo hiến được đưa vào trong dự thảo mới nhất là nhờ những ý kiến từ QH?

+ Một vấn đề nguyên tắc có ý nghĩa chi phối lớn là HP của ai, do ai làm ra. Lâu nay, chúng ta chỉ coi HP là đạo luật cơ bản của Nhà nước, do QH (cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất) làm ra. Mà như thế, chỉ cần giao cho các thiết chế nhà nước có sẵn, trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình đảm bảo tính hợp hiến của các VBQPPL mình ban hành, hoặc thuộc phạm vi kiểm tra, giám sát của mình. Nhưng nếu coi HP là của dân, do dân quyết định thì ngoài trách nhiệm tự thân của các cơ quan nhà nước, còn phải thêm thiết chế để người dân bảo vệ HP, khi mà Nhà nước đã tự kiểm tra, tự giám sát rồi, song vi hiến vẫn xảy ra.

Tại QH, nhiều ĐB cũng cho rằng phải có thêm thiết chế bảo hiến độc lập. Những ý kiến ấy đã đưa thiết chế bảo hiến quay trở lại dự thảo.

Ba nhánh quyền lực góp mặt

. Dự thảo quy định khá chung chung về Hội đồng HP. Ở cấp độ nghiên cứu của Ban Biên tập có gì cụ thể hơn không?

+ Vấn đề này cũng được bàn nhiều rồi. Đề xuất Hội đồng HP phải có đại diện ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp, ngoài ra có sự tham gia của giới chuyên môn tinh túy, am hiểu về HP và kể cả đại diện nhân dân. Rồi nhiệm kỳ của Hội đồng HP không nên trùng với nhiệm kỳ QH để đảm bảo tính liên tục và độc lập nhất định…

Trong quá trình bàn thảo, còn nhiều vấn đề liên quan khác được đặt ra, như Hội đồng HP có quyền giải quyết khiếu nại về vi hiến không, nếu có thì khiếu nại là gì, chỉ với văn bản vi hiến hay với cả hành vi...

Những vấn đề nói trên sẽ tiếp tục được nghiên cứu và xử lý bằng luật. Còn HP chỉ quy định những điểm cơ bản, mấu chốt.

. Xin cảm ơn bà.

Điều 120, dự thảo sửa đổi HP 1992

1. Hội đồng HP là cơ quan do QH thành lập, gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên.

2. Hội đồng HP kiểm tra tính hợp hiến của các VBQPPL do QH, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ QH, CP, Thủ tướng CP, TAND Tối cao, VKSND Tối cao ban hành; kiến nghị QH xem xét lại VBQPPL mình khi phát hiện có vi phạm HP; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ QH, CP, Thủ tướng CP, TAND Tối cao, VKSND Tối cao sửa đổi, bổ sung VBQPPL của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm HP; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình QH, Chủ tịch nước phê chuẩn.

3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng HP và số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng HP do luật định.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm