Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chống lạm phát đã có dấu hiệu tích cực

Theo đó, các giải pháp này đã cho thấy những dấu hiệu tích cực.

Báo cáo của Ngân hàng nhà nước cho biết việc thực hiện linh hoạt các biện pháp về rút tiền lưu thông thông qua việc nâng dự trữ bắt buộc, khống chế lãi suất trần huy động đã làm thị trường tín dụng ổn định trở lại. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt chẽ cơ cấu tín dụng, nhất là cho vay bất động sản và chứng khoán, điều hành tỷ giá theo thực tế, tiếp tục việc mua ngoại tệ đã phát tín hiệu rõ ràng về điều hành chính sách tiền tệ của nhà nước. Những kết quả đạt được làm cho tăng trưởng tín dụng không còn nóng nhưng vẫn đảm bảo vốn huy động cho nền kinh tế cũng như vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại.

Đặc biệt, một yếu tố mang tính tâm lý đã làm cho lạm phát hiện tại lớn gấp ba lần lạm phát thực tế. Đây cũng một yếu tố đáng lưu ý trong công tác chỉ đạo điều hành. Thông tin mới nhất đưa ra tại cuộc họp cho thấy các biện pháp kiểm soát lạm phát đã phát huy tác dụng. Đánh giá chưa đầy đủ cho thấy chỉ số tăng giá tiêu dùng tháng 3 đã giảm đáng kể so với hai tháng đầu năm trong khi tốc độ tăng trưởng GDP quý I vẫn giữ ở mức so với cùng kỳ, khoảng trên dưới 7,6%.

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là kinh tế Mỹ suy giảm với dự báo chỉ có thể phục hồi vào cuối năm, giá lương thực tiếp tục tăng cao thì việc kiểm soát lạm phát vẫn phải được coi là mục tiêu ưu tiên cao nhất, không để đảo lộn nền kinh tế cũng như kiểm soát vĩ mô.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu, trong đó hệ thống ngân hàng tiếp tục mua ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất khẩu, không để ách tắc trong việc xuất khẩu hàng hóa, đảm bảo cân đối cung-cầu. Đặc biệt, Thủ tướng cũng cho biết chưa tăng giá điện, than vào lúc này.

Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc đưa thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ổn định và bền vững. Đánh giá về việc thị trường chứng khoán có bước nhảy vọt trong năm qua, Thủ tướng cũng cho rằng để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường cần tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước theo hướng chặt chẽ, kể cả thị trường niêm yết và thị trường OTC; đảm bảo chất lượng chứng khoán niêm yết trên thị trường chính thức cũng như thị trường OTC; kiểm soát chặt chẽ việc phát hành cổ phiếu; thực hiện công khai minh bạch và xử phạt nghiêm các vi phạm. Tất cả điều này nhằm đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư và cũng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm