Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Khắc phục yếu kém bằng thực hành dân chủ

Tại phần cuối cùng của phiên chất vấn ngày 14-11, sau 30 phút trình bày bản giải trình cho 11 câu hỏi được năm ĐBQH gửi trước bằng văn bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời những chất vấn khác trực tiếp tại nghị trường. Đã có 20 ĐB bấm nút đăng ký chất vấn. Tuy nhiên, theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng “thời gian có hạn, nói thì cũng dài” nên chỉ bốn ĐB đăng ký đầu tiên được Thủ tướng trả lời trực tiếp. Số còn lại, ông hứa sẽ trả lời bằng văn bản, gửi tới tất cả ĐBQH và đăng tải trên website CP.

“Tôi không xin, không thoái thác nhiệm vụ Đảng giao!”

Trong số này, đáng chú ý là chất vấn khá gai góc của ĐB Dương Trung Quốc: “Trước kỳ họp, toàn dân được chứng kiến các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, trong đó có Thủ tướng đã có lời xin lỗi và xin Trung ương Đảng kỷ luật. Còn tại QH, Thủ tướng chỉ xin lỗi về trách nhiệm chính trị. Xin hỏi: Một, Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đã nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm với dân? Hai, Thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của CP, hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?”.

Với câu hỏi chất vấn này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đáp: “Đối với tôi, còn ba ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo Đảng hoạt động cách mạng. Chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Đảng, trong 51 năm qua tôi không xin với Đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác. Mặt khác, tôi cũng không từ chối, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước giao phó cho tôi. Là một cán bộ đảng viên của Đảng, báo cáo với QH là tôi đã nghiêm túc báo cáo đầy đủ với Đảng về bản thân mình. Báo cáo với Bộ Chính trị, báo cáo với BCH Trung ương một cách nghiêm túc, đầy đủ về bản thân mình. Đảng, Bộ Chính trị, BCH Trung ương cũng đã hiểu rõ về tôi, cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực khả năng, cả về sức khỏe, thương tật, cả về tâm tư, nguyện vọng của tôi. Đảng lãnh đạo quản lý trực tiếp tôi, hiểu rất rõ về tôi. Là đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội, Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng CP, tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng CP. Trung ương phân công, QH đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng CP. Tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của BCH Trung ương Đảng, của QH - cơ quan quyền lực cao nhất đối với tôi”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Khắc phục yếu kém bằng thực hành dân chủ ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Ngừng giây lát, Thủ tướng nói tiếp: “Tóm lại, có thể nói gần suốt cả cuộc đời tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của Đảng. Tôi không có chạy, tôi cũng không xin và tôi cũng không thoái thác từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua”.

Dân chủ và dân chủ…

Nối tiếp trả lời chất vấn ĐB Dương Trung Quốc, Thủ tướng đề cập tới giải pháp để CP khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong thời gian tới. Đây là phần trả lời cho câu hỏi chất vấn của ĐB Đàng Mỹ Hương.

Ông nói: “Theo tôi, không có cách nào khác là toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chúng ta phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự quản lý của nhà nước, quán triệt và thực hiện đầy đủ, đồng bộ, đồng thời có hiệu quả các chủ trương nghị quyết của Đảng, của Nhà nước…”. Nhưng trong tổng thể đồng bộ ấy, Thủ tướng nhấn mạnh: “Giải pháp có ý nghĩa quyết định cơ bản, động lực bao trùm cơ bản đó chính là thực hành dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và chăm lo lợi ích của nhân dân, là lòng dân, là sự đồng thuận của xã hội. Như Bác Hồ đã dạy là mọi quyền hành, mọi lợi ích, mọi lực lượng là ở dân và vì nhân dân. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước, theo tôi đây là giải pháp cơ bản quyết định và cũng là động lực bao trùm để chúng ta thực hiện thành công cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Thủ tướng khẳng định: “Không có dân chủ thực sự trong hoạt động kinh tế, không có bình đẳng, công khai minh bạch trong hoạt động kinh tế thì không có kinh tế thị trường định hướng XHCN; không huy động, sử dụng được hiệu quả mọi tiềm năng, mọi nguồn lực của dân tộc ta, của đất nước ta, kể cả vật chất và con người; không thể nâng cao được hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế và không hội nhập được với kinh tế quốc tế thành công. Như vậy cũng không thể tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

“Không có dân chủ đầy đủ và thực sự thì không thể bảo đảm và phát huy quyền tự do chính đáng của người dân mà Hiến pháp, luật pháp quy định. Như vậy cũng không thể tạo được sự đồng thuận xã hội, không thể tạo được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, không thể tạo được sức mạnh làm nên lịch sử của nhân dân và không thể có đoàn kết đại đoàn kết, thành công đại thành công trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Không có dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch thì không thể xây dựng được Đảng, Nhà nước ta, hệ thống chính trị của chúng ta trong sạch, vững mạnh. Cũng không thể đấu tranh ngăn chặn được các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Không có dân chủ thực sự cũng không thể lựa chọn được những cán bộ tốt, có đủ năng lực, phẩm chất để gánh vác việc dân, việc nước. Không có dân chủ cũng khó hoạch định được đường lối, chủ trương, chính sách một cách phù hợp, sát thực tế, sát cuộc sống”.

Chưa yên lòng vì giải pháp còn chung chung

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), một trong 16 ĐB đăng ký chất vấn Thủ tướng nhưng hết thời gian phát biểu tại nghị trường. Trao đổi với chúng tôi, bà nói: Thủ tướng đã nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhưng giải pháp khắc phục còn chung chung quá, tôi chưa yên lòng. Tôi muốn chất vấn Thủ tướng về kết quả phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản quốc gia bị thất thoát. Hiện số tiền, tài sản thất thoát được thu hồi về ngân sách sau thanh tra, kiểm toán và thi hành án các vụ án liên quan đến tham nhũng còn thấp.

Vấn đề văn hóa từ chức, tôi nghĩ nếu khó vận động từ chức thì phải thực hiện biện pháp cách chức. Kỳ họp QH lần này dự kiến sẽ thông qua nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đó sẽ là cơ chế hữu hiệu thực hiện miễn nhiệm, bãi nhiệm hay có thể nói là cách chức đối với người không còn phù hợp...

BÌNH MINH

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm