“Tiền cứ đóng băng thế này thì chỉ có chết!”

“Số dư tiền gửi tăng 5,04% nhưng dư nợ tín dụng chỉ tăng có 1,44% thì có nghĩa là tiền bị đóng băng rồi. Nguy lắm, bởi vốn ứ đọng thì làm sao kinh tế phát triển được. Do đó, bây giờ phải tập trung bàn về chính sách tiền tệ để tháo gỡ ngay” - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 14-5 về tình hình kinh tế, xã hội (KT-XH), thu chi ngân sách năm 2012 và những tháng đầu năm 2013.

Đây cũng là phiên họp cuối cùng của UBTVQH để hoàn thiện các báo cáo, các dự án luật sẽ trình ra QH trong kỳ họp khai mạc vào ngày 20-5 tới.

Khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP

Báo cáo về tình hình KT-XH bốn tháng đầu năm 2013, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho hay bước đầu kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả tích cực khi tăng trưởng kinh tế quý I đạt 4,89%; lạm phát được kiềm chế; lãi suất tiếp tục giảm. Tính đến ngày 18-4, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 5,04% so với cuối năm 2012; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 1,44%...

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định kinh tế vĩ mô. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm. Việc tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản chậm được giải quyết… “Trong bốn tháng đầu năm 2013, khoảng 3.000 DN hoàn thành các thủ tục giải thể và 16.600 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 16,9%. Nếu các khó khăn nêu trên không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu QH đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn” - ông Vinh cho hay.

“Tiền cứ đóng băng thế này thì chỉ có chết!” ảnh 1

Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, dư nợ tiền gửi tăng 5,04%, nhưng dư nợ tín dụng chỉ tăng có 1,44% thì có nghĩa là đóng băng nguồn tiền rồi. Ảnh: HTD

Dưới góc độ của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng việc tốc độ kinh tế tăng trưởng chậm lại trong hai năm liên tiếp cho thấy dấu hiệu suy giảm kinh tế đã ngày càng rõ nét hơn. “Qua các báo cáo trên cho thấy tình hình còn nghiêm trọng hơn năm 2011 trở về trước” - Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến.

“Cứ để thế này là chết”

Theo Chính phủ, để tháo gỡ khó khăn thời gian tới sẽ tập trung hàng loạt các giải pháp từ tái cơ cấu nền kinh tế đến giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay, giảm thuế thu nhập DN, đổi mới hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Riêng với giải pháp về tăng trưởng tín dụng, Chính phủ nhận định khó có thể tăng cao trong ngắn hạn, bởi nếu nợ xấu không được giải quyết, các ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu để phân loại đối tượng cho vay.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế lại cho rằng không thể kéo dài tình trạng kiểm soát tín dụng chặt chẽ và lãi suất cao được nữa. Bởi tình trạng trên đã khiến cho nhiều DN phải ngừng sản xuất, giải thể, phá sản. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng phân tích DN hoạt động dựa vào vốn ngân hàng là chủ yếu mà tăng trưởng tín dụng cứ tiếp tục như thế này thì nền kinh tế sẽ còn tiếp tục khó khăn. “Ngân hàng đã giảm lãi suất huy động xuống mức 6,5% nhưng rõ ràng dòng tiền vào nền kinh tế đang mất cân đối, khả năng hấp thu vốn kém. Muốn GDP tăng ở mức 5,5% thì tín dụng cả năm phải đạt 14%-15%, chứ thấp hơn nữa thì khó mà đạt” - ông Hiển nêu ý kiến.

Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, giải pháp quan trọng nhất lúc này để có thể kéo nền kinh tế vượt qua khủng hoảng là xử lý chính sách tiền tệ. “Dư nợ tiền gửi tăng 5,04% nhưng dư nợ tín dụng chỉ tăng có 1,44% thì có nghĩa là đóng băng nguồn tiền rồi. Trong kỳ họp QH này cần phải bàn kỹ về chính sách tiền tệ. DN mà cứ mãi không vay được vốn thì sẽ chết nên chúng ta phải tính toán có dám mạnh dạn khoanh nợ, giãn nợ và cho vay không chứ cứ để thế này tôi thấy nguy lắm rồi, quá báo động rồi” - bà Doan nói.

Cần thành thật với các số liệu

Tại phiên họp, nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ “cần thành thật với các số liệu”. “Báo cáo của Chính phủ nói là giảm nghèo nhanh. Nói thế có đúng không khi mà kinh tế gặp khó khăn, DN giải thể, phá sản, đời sống nhân dân chật vật. Nói thật đi giám sát thì chỉ thấy hộ nghèo tăng lên chứ chẳng thấy giảm đi chút nào” - Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng cảnh báo nếu số liệu không chính xác thì chính sách sẽ bị chệch hướng.

Phải chỉ rõ trách nhiệm

Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế phụ thuộc, phụ thuộc vào thị trường thế giới, phụ thuộc vào đồng vốn FDI, không chủ động được cái gì. Nhưng nghịch lý là trong khi các DN FDI ra sức phát triển sản xuất thì mặt khác họ lại cứ báo lỗ, không nộp thuế, trốn nộp bảo hiểm. Vậy ai chịu trách nhiệm? Bây giờ không thể chỉ chung chung được nữa mà phải chỉ rõ trách nhiệm về vấn đề trên. Chứ tình hình này gay go lắm rồi, phải tìm ra những yếu kém, bắt tay vào để tháo gỡ ngay.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm