Tiếp sức cho ngư dân giữ biển

Tối qua (28-6), lần đầu tiên, một chương trình của cộng đồng mang tên “Cùng ngư dân bám biển” đã được triển khai tại TP Quy Nhơn, Bình Định.

Cần tàu lớn vươn ra Trường Sa

Nghe tin có chương trình tiếp sức ngư dân, lão ngư Nguyễn Văn Ái lặn lội từ xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ vào ngay TP Quy Nhơn để tìm hiểu, bày tỏ ý nguyện. Suốt bốn tháng qua, ông Ái đi “gõ cửa” các cơ quan chức năng xin vay 1,5-2 tỉ đồng để đóng mới một con tàu lớn có khả năng vươn ra khơi xa nhưng chưa có kết quả.

Gia đình ông Ái đang có đội tàu cá hùng hậu nhất ở Bình Định với bốn chiếc tàu công suất lớn, trong đó chiếc tàu BĐ-94439 TS hiện đại nhất khu vực miền Trung. Ông Ái chia sẻ: “Có tàu lớn như vậy mình mới đưa được nhiều ngư dân ra biển xa của mình, đánh bắt được nhiều cá”. Gia đình ông Ái đang quy tụ 75 ngư dân ở địa phương thường xuyên ra khơi đánh bắt. Ông Ái khẳng định: “Tàu càng lớn đánh bắt càng hiệu quả. Với chiếc tàu đóng gần 5 tỉ đồng này, chỉ cần hai năm là gia đình tôi có thể thu hồi đủ vốn. Nay tôi mong muốn được vay một khoản tiền lớn để đóng thêm một chiếc tàu lớn khác, chỉ cần một năm gia đình tôi sẽ trả đủ vốn. Khát khao nhất của tôi là có nhiều tàu lớn để ra Trường Sa giữ biển…”.

Cùng nguyện vọng như ông Ái, ông Văn Công Việt (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) làm hồ sơ xin vay 220 triệu đồng để nâng công suất chiếc tàu BĐ-91189TS từ 150 CV lên 380 CV. Tuy nhiên, do vướng mắc nhiều thủ tục, ngân hàng đã từ chối đề nghị của ông Việt. “Nghe có chương trình hỗ trợ ngư dân tôi rất mừng, mong sẽ được hỗ trợ”.

Tiếp sức cho ngư dân giữ biển ảnh 1

Ngư dân Mai Phụng Lưu (phải) nhận 300 triệu đồng từ Quỹ Tín dụng hỗ trợ ngư dân. Ảnh: TL

“Tôi mừng vì lại được ra khơi”

“Sói biển” Mai Phụng Lưu (ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) là ngư dân đầu tiên được vay vốn ưu đãi từ quỹ tín dụng dành cho ngư dân của Ngân hàng Đông Á để ra đời một con tàu mới.

Từ huyện đảo Lý Sơn, ông Lưu vào đất liền rồi đi xe vô Bình Định để nhận khoản vay 300 triệu đồng. Ông Lưu cho biết từ khi bị thu mất tàu, cả nhà ông đi lặn bắt hải sâm thuê, ra sức dành dụm, quyết tâm đóng chiếc tàu khác. Vợ ông Lưu hằng ngày tảo tần trên năm sào tỏi cũng ráng tích góp để cùng thực hiện ước nguyện. Đến nay, gia đình ông đã dành dụm được 250 triệu đồng nhưng chưa đủ để đóng mới tàu. Được trợ lực bằng nguồn vốn trên, “sói biển” xúc động đến nghẹn ngào: “Gần một năm nay, tôi ao ước được điều khiển chiếc tàu của mình tiếp tục ra Hoàng Sa. Gia đình tôi sẵn sàng thế chấp ngôi nhà của mình để vay tiền đóng tàu nhưng không được bao nhiêu. Bây giờ, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi này, chỉ sau hai tháng đóng tàu, mấy cha con tôi sẽ lại ra khơi”.

Ông Lưu nói dõng dạc: “Lần này tôi sẽ đóng tàu công suất lớn hơn để ra Hoàng Sa, Trường Sa, giữ biển của mình”. Ông Lưu nhẩm tính: Nếu đi biển suôn sẻ, chậm nhất là ba năm, gia đình ông sẽ trả đủ số vốn vay này.

Mong được đào tạo nghề biển

Tiếp sức cho ngư dân giữ biển ảnh 2
Ngư dân Văn Công Việt tâm sự: “Chúng tôi được biết ngư dân các nước được đào tạo khá bài bản nên họ đi biển rất tự tin. Do đó, chúng tôi cũng mong con cháu mình được đào tạo nghề biển để có trình độ, bám biển tốt hơn”. Đây cũng là mong mỏi của nhiều ngư dân hiện nay.

Ông Lê Trí Thông, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, đơn vị vừa thành lập quỹ 20 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân, nói: “Để cùng cộng đồng tiếp sức cho ngư dân, chúng tôi đang hướng tới những hoạt động hỗ trợ bền vững để giúp cho gia đình ngư dân cải thiện cuộc sống trong đất liền, con em ngư dân được học hành để có thể tiếp tục phát triển nghề biển lâu dài. Cụ thể, chúng tôi cho vay tài chính vi mô cho gia đình ngư dân, cấp học bổng cho con em ngư dân, tài trợ học bổng để gia tăng số lượng sinh viên học ngành khai thác biển, hỗ trợ ngư dân tiếp cận với bảo hiểm tài sản, tính mạng, hỗ trợ kiến thức về pháp luật, ứng xử trên biển…”.

Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, bổ sung: “Cùng với hỗ trợ về tài chính, ngư dân cần được đào tạo, tập huấn để có kiến thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai cũng như những bất trắc xảy ra trên biển”.

Chương trình “Cùng ngư dân bám biển” do báo Sài Gòn Tiếp Thị, Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC, Quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục EDF thực hiện. Đây là chương trình nhằm kêu gọi tổ chức các hoạt động chung tay hỗ trợ ngư dân. Chương trình đã công bố thành lập quỹ tín dụng hỗ trợ ngư dân, các hoạt động dinh dưỡng cho con em ngư dân, học bổng cho ngư dân trẻ và con em ngư dân...

Ông Lê Trí Thông, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho biết ngư dân Mai Phụng Lưu là khách hàng đầu tiên của quỹ tín dụng dành cho ngư dân do ngân hàng này vừa thành lập. Quỹ có số vốn ban đầu là 20 tỉ đồng. Trước mắt, quỹ này cho ngư dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định vay lãi suất ưu đãi, mỗi tỉnh 6,5 tỉ đồng.

Ngày 28-6, các doanh nghiệp thủy sản đã đóng góp hơn 2,3 tỉ đồng để hưởng ứng lời kêu gọi giúp đỡ ngư dân biển Đông do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) phát động.

T.LỘC - T.HIẾU

Giải quyết ngay các vụ tàu nước ngoài phá rối ngư dân

(PL)- Tổ chức khai thác hải sản phù hợp diễn biến biển Đông - Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của sáu tháng cuối năm được Bộ NN&PTNT đưa ra tại hội nghị sơ kết thực hiện kế hoạch sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2011 của ngành nông nghiệp tổ chức ngày 28-6 ở Hà Nội.

Bộ yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ tăng cường chỉ đạo tốt hoạt động nuôi trồng thủy sản, chú trọng hướng dẫn kiểm tra và giám sát thực hiện tuân thủ quy định về điều kiện nuôi trồng, an toàn thực phẩm và môi trường. Các cơ quan này cần tiếp tục phối hợp giữa các địa phương tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản phù hợp với tình hình giá nhiên liệu tăng cao và diễn biến phức tạp trên biển Đông; giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến tàu cá VN bị nước ngoài phá rối, tạo thuận lợi tối đa và bảo đảm an toàn cho ngư dân ra khơi kết hợp với bảo vệ an ninh, quốc phòng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết lãnh đạo Bộ sẽ giao cho Tổng cục Thủy sản theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để cân đối cung cầu và đề xuất cơ chế chính sách tạo điều kiện cho tiêu thụ sản phẩm thủy sản, muối cho ngư dân. Bộ sẽ đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án xây dựng lực lượng kiểm ngư đến năm 2020. Ngoài ra, trong quý IV-2011, Tổng cục Thủy sản phải xây dựng và hoàn thành Đề án quản lý nghề cá quy mô nhỏ và Đề án chính sách hỗ trợ ngư dân vùng cấm khai thác có thời hạn.

TRÀ PHƯƠNG

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm