TP.HCM: Kiến nghị bổ sung cơ chế bảo vệ Hiến pháp

Cụ thể, TP kiến nghị: “Bổ sung vào Hiến pháp cơ chế giám sát việc thực hiện Hiến pháp để đảm bảo tính hợp hiến và tính thống nhất của hệ thống pháp luật”.

Báo cáo cũng đề xuất sửa đổi Điều 119 Hiến pháp 1992 theo hướng chỉ tổ chức HĐND ở cấp tỉnh và xã/thị trấn; đồng thời tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách (hiện nay HĐND được tổ chức ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã). Đối với HĐND cấp xã, thị trấn (nếu còn tiếp tục ở nhiệm kỳ tới) cần nâng cơ cấu đại biểu ở tổ dân phố, khu phố lên trên 50%, giảm cơ cấu cán bộ tại chức, tăng cơ cấu MTTQ, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và các ngành nghề đặc thù ở địa phương.

Báo cáo của TP cũng cho rằng chế độ lãnh đạo tập thể của UBND và thẩm quyền riêng của chủ tịch UBND hiện chưa được xác định rõ ràng. Việc chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu dẫn đến hội họp nhiều, đùn đẩy trách nhiệm. Do đó, để làm rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu UBND, TP đề nghị sửa đổi, bổ sung vào đoạn 2 Điều 124 Hiến pháp 1992 theo hướng chủ tịch UBND lãnh đạo, điều hành hoạt động của UBND, có thẩm quyền quyết định tất cả những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương, trừ những vấn đề thật sự quan trọng do tập thể UBND quyết định theo luật định.

Ngoài ra, TP kiến nghị Hiến pháp cần bổ sung nguyên tắc về phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương. Trong đó, quy định rõ những vấn đề chỉ trung ương mới có quyền quyết định; những vấn đề cấp chính quyền địa phương có quyền quyết định; những vấn đề chính quyền địa phương phải xin phép trung ương trước khi quyết định. Điều này sẽ khắc phục tình trạng ôm đồm, giải quyết sự vụ của Chính phủ, của các bộ, ngành trung ương, chấm dứt cơ chế xin - cho và tình trạng ỷ lại, thụ động hoặc vượt quyền của địa phương. TP cũng đề xuất Quốc hội nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Đô thị để các TP lớn thuận lợi hơn trong công tác quản lý trên các lĩnh vực đối với thực tiễn tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Chưa nên mở rộng diện thí điểm nhất thể hóa

Đề xuất này được đưa ra trong báo cáo của UBND TP.HCM về tổng kết bước hai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên địa bàn TP. Cụ thể, TP kiến nghị tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND, chưa nên mở rộng diện thực hiện vì thời gian thí điểm còn ngắn, số lượng đơn vị thí điểm còn ít, chưa có cơ sở để đánh giá đầy đủ, toàn diện những ưu điểm, nhược điểm của mô hình này.

TP cũng kiến nghị cần tạo điều kiện để Mặt trận và các tổ chức đoàn thể nâng cao hiệu quả giám sát đối với các địa phương không tổ chức HĐND…

N.NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm