TP.HCM năm 2012: Cải cách hành chính gắn với chính quyền đô thị

Trong đó năm 2011 được xem là năm bản lề, chuẩn bị các kế hoạch để thực hiện và từ năm 2012, TP sẽ bắt tay vào thực hiện từng phần việc cụ thể của cải cách hành chính gắn với chính quyền đô thị.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh những trọng tâm cải cách hành chính (CCHC) của TP.HCM trong năm 2012, ông Lê Hoài Trung (ảnh), Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của TP.HCM, cho biết:

TP.HCM năm 2012: Cải cách hành chính gắn với chính quyền đô thị ảnh 1

Chính phủ đã đề ra trong năm 2012 phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 13 và 14 ban hành năm 2008 (quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, TP và quận/huyện) cho phù hợp với yêu cầu của từng vùng, từng địa phương. Thí dụ TP.HCM là một đô thị thì phải tổ chức bộ máy phù hợp với đô thị, các cơ quan chuyên môn phải sắp xếp theo yêu cầu để phát triển hội nhập kinh tế của TP. Do đó, một trong những phương hướng CCHC của năm 2012 là TP sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ về kiện toàn và sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP và quận/huyện phù hợp với điều kiện đặc thù của đô thị.

Sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn

. Cụ thể TP đã chuẩn bị những gì cho việc sắp xếp này, thưa ông?

+ Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi của TP cần có tổ chức bộ máy và nhân lực đáp ứng và TP đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương. Ngoài những sở đã thành lập theo Nghị định 13/2008, TP kiến nghị thành lập Sở Du lịch riêng vì khách du lịch TP chiếm hơn 3/4 cả nước, nếu cứ giữ như hiện nay thì không đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước.

Về chức năng công chính, TP kiến nghị vẫn giữ trực thuộc Sở Giao thông và hướng tới sẽ đổi lại là Sở Giao thông công chính như cũ để thống nhất đầu mối quản lý hạ tầng, kỹ thuật. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý hạ tầng ngầm của TP đang rất phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ dự án đầu tư hạ tầng và thiếu đầu mối quản lý thống nhất như viễn thông, điện lực, cấp, thoát nước. Do vậy cần có cơ quan quản lý chung thống nhất hạ tầng ngầm.

. Trong năm nay, TP cũng đề ra việc thí điểm thực hiện cơ quan chuyên môn quản lý theo ngành dọc trên địa bàn TP. Việc quản lý như vậy tốt hơn hiện nay như thế nào?

+ TP sẽ thí điểm quản lý theo hệ thống dọc hai ngành giáo dục và y tế nhằm quản lý điều hành về chuyên môn, nhân sự, đầu tư con người, vật chất đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, giảm tải các bệnh viện tuyến trên. Quản lý theo ngành dọc có nhiều mặt lợi nhưng đây là vấn đề khó, phức tạp, cần phải có lộ trình thực hiện từng bước, rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, TP sẽ xem xét lại chức năng và nhiệm vụ của từng phòng ở cấp quận, huyện vì có những Phòng phải chịu sự chỉ đạo của rất nhiều sở. Ví dụ như Phòng Quản lý đô thị hiện nay liên quan đến Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Xây dựng; Phòng Tài chính kế hoạch… Việc thực hiện này sẽ giảm bớt tầng nấc trung gian trong chỉ đạo điều hành, công tác bổ nhiệm, luân chuyển nhân sự, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và chính sách cũng sẽ đồng bộ hơn, tiết kiệm hơn.

Nâng cao chất lượng công bộc

TP.HCM năm 2012: Cải cách hành chính gắn với chính quyền đô thị ảnh 2

Thái độ CBCC khi tiếp xúc với công dân là một trong những nội dung được TP chú trọng trong CCHC năm 2012. Ảnh chụp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của quận 4 (TP.HCM). Ảnh minh họa: N.NAM

. Những bất cập hay được nói tới trong CCHC là hội họp vẫn không giảm và ít thấy bóng dáng trách nhiệm của người đứng đầu. Ông nghĩ gì về thực trạng này?

+ Hiện nay chức năng của các sở, phòng chỉ là tham mưu cho UBND còn chức năng quản lý ngành chưa được quy định rõ, trong khi đó UBND bị quá tải vì các cơ quan chuyên môn xin ý kiến. Do đó, trên cơ sở phân cấp cho người đứng đầu sở, phòng về quản lý nhà nước cần xác định rõ việc gì tham mưu UBND, việc gì được quyết định. Những vấn đề như ngập nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh... ông giám đốc sở phải chịu trách nhiệm trong xử lý chứ không thể nắm tình hình, báo cáo UBND chỉ đạo rồi mới làm, quy trình như vậy quá chậm. Các sở, phòng cứ đều là tham mưu giúp việc. UBND chỉ đạo các sở “chạy”, “chạy” rồi tham mưu, rõ ràng là cơ chế này không phù hợp, không ổn đối với một đô thị.

. Trong báo cáo CCHC 2011 của TP đánh giá một số cán bộ, công chức (CBCC) còn nhũng nhiễu, né tránh, thờ ơ với công việc. Vấn đề này trong năm 2012 sẽ được giải quyết như thế nào?

+ Thực ra đó là một tồn tại tất yếu trong quá trình mình hoàn thiện bộ máy, nhân sự. Một bộ phận đó là do lịch sử để lại, phần nữa là một số CBCC thiếu tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ đáp ứng chuẩn của công chức. TP sẽ tính toán dần dần qua đào tạo bồi dưỡng để chuyển hóa. Nếu số nào mà không đáp ứng theo yêu cầu thì cũng phải có xử lý. Tuy nhiên, việc đánh giá CBCC vẫn theo quy chế cũ, do Luật CBCC và Luật Viên chức mới ra đời nên chưa có hướng dẫn quy chế đánh giá mới.

Trọng tâm CCHC năm 2012 là nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, viên chức. Trong đó, TP đẩy mạnh việc mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng theo nhóm đối tượng nâng chất lượng đội ngũ lên.

.Việc đánh giá CBCC bằng máy bấm điện tử như quận 1 làm vừa qua được TP đánh giá cao và sẽ cho áp dụng toàn TP trong quý II năm nay. Đó cũng có thể là một hình thức đánh giá thực chất, khách quan về CBCC, thưa ông?

+ Đây là một bước đột phá, tuy nhỏ nhưng cũng đánh động được cho CBCC về thái độ phục vụ nhân dân. Tuy vậy, việc dùng máy bấm thì chỉ dành cho người nào có tên trực tiếp trên máy đó, tức là chỉ trong phạm vi số CBCC ngồi trực tiếp tiếp nhận hồ sơ chứ không thể đánh giá hết được cả bộ máy.

. Xin cảm ơn ông.

NHẪN NAM thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm