TP.HCM: Thưởng xứng đáng người chống tham nhũng

Ngày 22-6, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã ký ban hành quy chế về bảo vệ và khen thưởng người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, có hiệu lực kể từ ngày 2-7.

Có thể được thưởng hơn 10 triệu đồng

Theo quy chế này, ngoài hình thức khen thưởng theo Nghị định số 42 ngày 15-4-2010, tùy theo thành tích, cá nhân, tập thể phát hiện tham nhũng còn được khen thưởng đột xuất từ 1 triệu đến 10 triệu đồng hoặc có thể cao hơn. Thời gian thực hiện khen thưởng không quá 20 ngày sau khi cơ quan thụ lý xác định được giá trị của thông tin. Trường hợp đặc biệt, chủ tịch UBND TP kiêm trưởng ban chỉ đạo TP về phòng, chống tham nhũng quyết định khen thưởng đột xuất tương xứng với thành tích của người phát hiện.

Cạnh đó, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc phát hiện tham nhũng có tầm ảnh hưởng rộng, tài sản thu hồi có giá trị lớn thì TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ có hình thức khen và mức thưởng cao hơn. Trường hợp có thành tích xuất sắc, Thường trực Ban Chỉ đạo TP về phòng, chống tham nhũng (Thường trực ban chỉ đạo) xem xét, phối hợp Sở Nội vụ lập thủ tục để UBND TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ về việc khen thưởng.

TP.HCM: Thưởng xứng đáng người chống tham nhũng ảnh 1

Ngoài hình thức khen thưởng, cá nhân, tập thể tố giác tham nhũng sẽ được bảo vệ và thưởng tiền. Trong ảnh: Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân (bìa trái) và Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến (thứ hai từ phải sang) gặp gỡ các cá nhân có thành tích chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN

Thực hiện biện pháp bảo vệ khẩn cấp

Cũng theo quy chế này, trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin phản ánh hoặc theo yêu cầu của người phát hiện, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản gửi Thường trực ban chỉ đạo.

Sau đó, trong thời gian 8 giờ đồng hồ kể từ khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền, Thường trực ban chỉ đạo có trách nhiệm yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện, trưởng ban chỉ đạo quận, huyện, cơ quan công an và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ người phát hiện tham nhũng. Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ phải được thực hiện trong suốt thời gian mà người phát hiện có nguy cơ hoặc đã bị tấn công, bị xâm hại.

Trong trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm đối với người phát hiện, Thường trực ban chỉ đạo trao đổi trực tiếp bằng điện thoại với chủ tịch UBND quận, huyện, yêu cầu chỉ đạo cơ quan công an nơi người phát hiện tham nhũng cư trú thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ khẩn cấp. Nếu người phát hiện tham nhũng đã yêu cầu được bảo vệ nhưng vẫn bị đe dọa, bị trả thù, bị trù dập thì cơ quan có thẩm quyền được giao bảo vệ sẽ bị xử lý trách nhiệm.

Quy chế này cũng quy định rõ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thụ lý, giải quyết thông tin tố giác tham nhũng, gồm: Thanh tra TP, Công an TP, VKSND TP, Thanh tra sở ngành TP, Thanh tra quận, huyện, VKSND quận, huyện, Công an quận, huyện.

TRỌNG MẠNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm