Trách nhiệm và quyền lợi

Các văn bản thường nêu rõ, nếu không khắc phục các khiếm khuyết khiến người đi đường bị nạn, chủ đầu tư và nhà thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Phải khẳng định đây là sự nhắc nhở đúng, không thừa nhưng… vẫn còn thiếu. Cái thiếu ở đây là trách nhiệm của ngành GTVT, đơn vị trực tiếp quản lý và cấp phép đào đường.

Theo hợp đồng, khi thanh toán cho nhà thầu, chủ đầu tư giữ lại 5% kinh phí để ràng buộc trách nhiệm trong việc khắc phục các sự cố phát sinh. Nếu nhà thầu không khắc phục, chủ đầu tư có quyền trích nguồn kinh phí này ra để duy tu, sửa chữa.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế, các ổ gà vẫn “ngang nhiên” mọc lên trên các tuyến đường vừa tái lập. Tất cả đều lộ rõ giữa đường, không lẽ ngành GTVT không thấy? Còn nếu thấy, ngành GTVT có đủ thẩm quyền buộc chủ đầu tư dự án phải khắc phục. Đội kiểm tra của ngành cũng có thể lập biên bản và cho duy tu ngay, sau đó buộc chủ đầu tư hoàn trả kinh phí. Còn nếu chỉ nhắc nhở và quy trách nhiệm cho chủ đầu tư, nhà thầu thì dường như ngành GTVT làm chưa hết trách nhiệm.

Trước khi các "lô cốt" mọc lên, người dân đang được lưu thông trên những con đường lành lặn. Vậy mà sau khi chịu khổ sở vì kẹt xe, bụi bẩn… do quá trình thi công, họ lại tiếp tục phải đi trên những con đường nham nhở ổ gà. Bức xúc là điều khó tránh khỏi, bởi sự an toàn của họ và người thân đang bị đe dọa từng ngày, mỗi khi bước chân ra đường.

Để người dân thụ hưởng được những quyền lợi chính đáng, trách nhiệm chính hoàn toàn thuộc về ngành GTVT chứ không ai khác.

THIÊN TRÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm