Trong “bốn nhà”, nhà nào khổ nhất

Những người khá giả hoặc có mức sống trung bình ở đô thị sẵn sàng vứt bỏ ngay hộp sữa chưa rõ xuất xứ để đề phòng con em mình bị nhiễm độc vì báo chí và đài truyền hình hàng ngày đưa tin. Nhưng một người mẹ nghèo ở nông thôn chắt chiu từng đồng tiền để mua được cho con hộp sữa thì không dễ dàng vứt bỏ như vậy. Đầu tắt mặt tối, chẳng nghe được thông tin cập nhật trên đài, trên báo mà có khi nghe đến thì câu được câu chăng, chưa đủ để người mẹ nghèo kia hiểu về chất melamine gây sạn thận cho con mình. Rồi làm sao để phân biệt đâu là sữa không có xuất xứ rõ ràng. Mà nếu như có nghe thủng được hiểm họa từ chất độc chứa trong sữa thì cũng không dễ gì dám vứt bỏ hộp sữa phải chắt chiu, dành dụm mới mua được cho con! Thế rồi “đau tiếc thân, lành tiếc của”, cứ cho con uống và khi con đổ bệnh mới tán gia bại sản vì chữa chạy.

Để ngăn chặn sữa độc, nhà nước phải có giải pháp ngăn chặn. Nhưng rồi nhà nông nuôi bò sữa phải đổ sữa xuống ao. Nhà doanh nghiệp do chuyện lỗ lãi nên không mua. Nhà khoa học thì chưa kịp trở tay để “ngâm cứu” giúp nhà nông tìm cách bảo quản sữa bò tươi vì con bò - quả là “ngu như bò” vẫn cứ căng sữa đòi vắt. Mà không thể không vắt nhưng vắt xong phải đem đổ! Với nhà nước hay nhà doanh nghiệp, chuyện hủy 700 tấn sữa hay hơn nữa tuy không nhỏ song cũng không là quá lớn. Nhưng sữa của chỉ một, hai con bò phải vắt đổ đi là nguy cơ treo niêu đối với gia đình nông dân nuôi bò sữa.

Thế rồi chuyện đầu độc sông với Vedan, đầu độc biển với Hyundai Vinashin thì “nhà” nào gánh chịu nặng nề và dai dẳng nhất nếu không phải là nhà nông?! Không biết đã có công trình nghiên cứu khoa học nào thống kê đầy đủ hiểm họa mà cư dân sông trong lưu vực sông Thị Vải bị Vedan đầu độc, chi phí chạy chữa do hiểm họa ấy gây nên để có căn cứ kiện đòi bồi thường? Chỉ biết rằng trước đây đã từng có nhà khoa học bênh Vedan chằm chặp. Xin dẫn ra vài con số mà cách đây không lâu báo chí đã công bố về chuyện “đầu độc sông”: Ở huyện Kim Bảng (Hà Nam), do sử dụng nước ô nhiễm sông Nhuệ nên 20% trẻ em dưới năm tuổi mắc bệnh đường ruột, 86% mắc bệnh giun đũa, 76% mắc bệnh giun tóc, 60% dân số của huyện bị bệnh về mắt, 20% mắc bệnh ngoài da, 56% phụ nữ mắc bệnh phụ khoa.

Còn nhà nước địa phương sao lại chậm trễ và hiền hòa làm vậy? Đối với những thủ đoạn đầu độc môi trường của “nhà doanh nghiệp” kiểu “Vedan ngoại” kia và những “Vedan nội” như Công ty Hào Dương xả nước thải ra sông Đông Điền, Công ty Hùng Vương lén lút xả chất thải ra sông Cổ Chiên, Nhà máy giấy Việt Trì đầu độc sông Hồng... thì rồi sẽ phải xử lý sao đây?

Phải chăng nhân những vụ việc đang xảy ra cần nghiêm túc nhìn lại mối liên kết giữa “bốn nhà” mà đã có lúc báo chí nói rất rôm rả để nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học hỗ trợ cho nhà nông sao cho thiết thực, đừng để cứ trăm dâu đổ đầu tằm khiến thành tựu thì nông dân hưởng ít nhưng hiểm họa thì nông dân gánh trọn.

TƯƠNG LAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm