Trưng cầu ý dân phải thấu dân muốn gì

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trưng cầu ý dân chiều 23-6, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn mạnh bản chất pháp lý của trưng cầu ý dân rất khác so với các hình thức dân chủ trực tiếp khác.

“Trưng cầu ý dân được tổ chức theo quy trình, thủ tục chặt chẽ, kết quả của nó có ý nghĩa quyết định. Trong khi đó, việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện đơn giản, có khi chỉ bằng một cuộc họp, kết quả chỉ là thông tin tham khảo, còn quyết định là do các cơ quan có thẩm quyền” - ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Hồ Trọng Ngũ cho rằng chỉ trưng cầu ý dân khi có những vấn đề hệ trọng, sống còn của đất nước, của dân tộc và về nguyên tắc, những vấn đề này vượt ra ngoài tầm những gì nhân dân ủy quyền cho cơ quan quyền lực nhà nước tối cao là QH. “Khi QH không đủ thẩm quyền, khi Hiến pháp và pháp luật chưa quy định hoặc không quy định thì lúc đó cần sự quyết định của chủ thể thực sự có quyền lực quyết định là nhân dân. Bản chất pháp lý của vấn đề là như vậy” - ông Ngũ nói.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Cạnh đó, ông Ngũ cũng đề nghị từ “nhân dân” phải được hiểu theo đúng nghĩa, chứ không phải một bộ phận hay cộng đồng nào đó trong dân cư. Việc đánh giá đúng bản chất vấn đề sẽ ảnh hưởng đến những nội dung quan trọng (và đang còn nhiều ý kiến khác nhau) của dự luật như những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân, phạm vi trưng cầu ý dân, chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, kết quả trưng cầu ý dân…

Tuy nhiên, ĐB Đỗ Ngọc Niễn đánh giá trong dự luật này, vị thế, vai trò của nhân dân - người làm chủ xã hội - không được xem trọng. “Họ không có quyền gì khác ngoài quyền đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân với tư cách cử tri. Dân không có quyền chuyển nguyện vọng của mình muốn trưng cầu ý dân đến các cơ quan đại diện cho mình, dù các nguyện vọng đó là chính xác. Không có một quy định nào về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tập hợp ý kiến của nhân dân về nội dung, mục đích trưng cầu dân ý. Sự công khai, minh bạch trong vấn đề này cũng không được đề cập” - ông Niễn nói.

Từ phân tích trên, ông Niễn cho rằng nhiều người có quyền đặt câu hỏi: Luật này làm ra để làm gì, phục vụ cho ai, thể hiện được bao nhiêu quyền của người dân? Ông Niễn sau đó đề nghị cần bổ sung vào luật một số quy định để người dân có những quyền cơ bản như đưa ra sáng kiến của mình về nội dung và phạm vi trưng cầu dân ý; nhận được đầy đủ thông tin về việc sáng kiến của mình có được đưa ra trưng cầu dân ý hay không; giám sát quá trình tập hợp ý chí, nguyện vọng của nhân dân một cách công khai, minh bạch…

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị cần nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của dự luật này là “trọng dân, tin dân”. Bà Tâm cũng đề nghị QH cần biết người dân muốn quyết định những vấn đề gì. “Đề nghị một số điều luật trong dự án luật này, đặc biệt nội dung Điều 6 (về Những vấn đề đề nghị QH quyết định trưng cầu ý dân - PV) nên lấy ý kiến người dân, hỏi người dân xem muốn QH lấy ý kiến về những vấn đề gì để từ đó ta biết thêm ý kiến của người dân” - bà Tâm đề xuất.

Dự luật Trưng cầu ý dân quy định: “Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.

Ở đây, “vấn đề quan trọng” phải thuộc phạm vi thẩm quyền của QH được quy định ở Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội (TCQH). Nhưng Luật Trưng cầu ý dân cũng phải quy định về quy trình trưng cầu riêng về “những vấn đề quan trọng”. Cụ thể, những vấn đề do QH trưng cầu phải là vấn đề hệ trọng cho đa số nhân dân, cho vận mệnh cả nước, cho tương lai nhiều thế hệ. Tuy nhiên, cần quy định rõ có những vấn đề tưởng như chỉ liên quan đến một hoặc một số địa phương nhưng thực ra lại có tầm quan trọng quốc gia. Ví dụ: Vịnh Hạ Long cho dù có giao cho tỉnh Quảng Ninh quản lý trực tiếp nhưng đó là tài sản quốc gia, không thể chỉ do UBND hay nhân dân tỉnh Quảng Ninh quyết định; hang động ở Quảng Bình là tài sản của cả nước, không thể chỉ thuộc quyền quyết định của UBND và nhân dân tỉnh Quảng Bình; sông Cửu Long không thể chỉ do sáu tỉnh ĐBSCL quyết định; đảo Phú Quốc không thể do nhân dân đảo Phú Quốc hay tỉnh Kiên Giang quyết định. Do đó phải có luật pháp làm rõ những lĩnh vực hay những tài sản do chính quyền địa phương quản lý nhưng vì tầm quan trọng quốc gia của nó nên phải do chính quyền trung ương quyết định và nếu có trưng cầu ý dân thì phải lấy ý kiến toàn dân, phân biệt rõ với những lĩnh vực, tài sản có thể do địa phương hoàn toàn quyết định. Việc này phải quy định rành mạch vì có thể xảy ra tới đây.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa,
Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH

N.NHÂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm