THƯỢNG NGHỊ SĨ JOHN MCCAIN:

“Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông”

Sau vài lời mở đầu về chuyến thăm Đông Nam Á vừa qua, ông John McCain đề cập trực tiếp tới tình hình biển Đông: “Những năm qua, chúng ta đã chứng kiến căng thẳng leo thang nhanh chóng giữa các quốc gia ở khu vực tranh chấp và hay biến động này. Tôi không cần phải nhắc lại tất cả các vụ việc cho các vị cử tọa ở đây nghe. Tất nhiên, điều quan trọng đối với tất cả các bên là phải kiềm chế. Và chắc chắn là các đối tác ASEAN của chúng tôi (Mỹ) sẽ cần thỏa hiệp, đặc biệt là thỏa hiệp với nhau, để có được một kết quả hòa bình và có lợi cho các bên… Điều ấy nói lên rằng, tình hình này đòi hỏi (chúng ta) phải thẳng thắn một chút: Một trong những lực lượng chính làm trầm trọng thêm căng thẳng ở biển Đông, và khiến việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở đây trở nên khó đạt được hơn, là cách hành xử hung hãn của Trung Quốc cùng những yêu sách về lãnh thổ vô căn cứ mà họ đang tìm cách xúc tiến”.

Hội nghị “An ninh hàng hải trên biển Đông” diễn ra trong hai ngày 20 và 21-6 tại Đại học GeorgeTown ở thủ đô Washington DC của Mỹ. Hội nghị tập trung vào bốn chủ đề chính, gồm: lợi ích và lập trường của các bên trên biển Đông; những diễn biến gần đây trên biển Đông; đánh giá hiệu quả của các khung chính sách và cơ chế về an ninh hàng hải hiện nay trên biển Đông; và các khuyến nghị về chính sách nhằm thúc đẩy an ninh trên biển Đông.

Tham dự Hội nghị, có những học giả uy tín về chính trị và công pháp quốc tế, như: GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia ), Tiến sĩ Ian Storey (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore ), ông Robert M.Scher (Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ)… Phía Việt Nam có Tiến sĩ Trần Trường Thủy (Giám đốc chương trình Nghiên cứu Biển Đông), luật sư Nguyễn Duy Chiến và Tiến sĩ Đặng Đình Quý (Học viện Ngoại giao).
Trung Quốc làm xói mòn nguyên tắc tự do hàng hải

Ông John McCain bình luận: “Tôi không vui vẻ gì khi nói những chuyện này. Tôi tin là một trong những lợi ích quốc gia hàng đầu của Mỹ là duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Tôi muốn Trung Quốc thành công và phát triển một cách hòa bình (…). Điều làm tôi lo lắng, và tôi hình dung là các bạn ở đây cũng vậy, là những yêu sách lấn tới mà Trung Quốc đưa ra trên biển Đông; các lý do mà Trung Quốc đưa ra để làm căn cứ cho những yêu sách đó, vốn chẳng có cơ sở nào theo luật quốc tế; và các hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc nhằm củng cố quyền tự nhận của mình; kể cả ở trên những vùng biển nằm trong khu vực 200 hải lý (tính từ bờ biển) của các nước ASEAN, như chuyện xảy ra gần đây trong các vụ việc riêng rẽ liên quan tới Việt Nam và Philippines. Cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” của Trung Quốc đòi chủ quyền đối với tất cả các hòn đảo trên biển Đông và đòi tất cả vùng lãnh hải bao quanh đó làm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc. Hơn thế nữa, những diễn giải của Trung Quốc về luật quốc tế có thể làm xói mòn nguyên tắc bấy lâu nay về tự do hàng hải, bóp méo nó – từ khái niệm “bao gồm”, nghĩa là mở rộng cửa cho mọi người đi vào, thành khái niệm “gạt ra”, nghĩa là hạn chế mọi người vào. Một số người ở Trung Quốc thậm chí còn coi học thuyết này, tôi xin trích dẫn, là “thuật pháp lý chiến”.

Lợi ích về an ninh quốc gia của Mỹ trên biển Đông

Trong bài phát biểu được Hội nghị chú ý này, Thượng nghị sĩ John McCain cũng lý giải vì sao Mỹ lại quan tâm đến tranh chấp chủ quyền ở một vùng biển cách xa nước Mỹ tới nửa vòng trái đất, “một câu hỏi mà rất nhiều người Mỹ sẽ đặt ra, nhất là khi Mỹ đã và đang tham gia tới ba cuộc xung đột, và nợ quốc gia thì đã trở nên không an toàn”.

Ông cho biết: “Tất nhiên là có những nguyên nhân kinh tế để Mỹ phải tham gia. Biển Đông là một nguồn quan trọng tạo công ăn việc làm và tài nguyên thiên nhiên, có lợi cho nhiều người Mỹ. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề cần cân nhắc nhất là vấn đề chiến lược. Trung tâm địa chính trị của thế giới đang dịch chuyển đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực mà nhiều quốc gia đang cùng nổi lên, cả về sự thịnh vượng lẫn sức mạnh quyền lực. Điều này tạo ra xung đột giữa các quốc gia, trong khi xung đột cũ thì vẫn chưa giải quyết được. Nước Mỹ có lợi ích an ninh quốc gia trong việc duy trì một thế cân bằng chiến lược có lợi ở khu vực sống còn này. Và tâm điểm của nó là quyền tự do phổ quát trong hàng hải và trong việc ra vào các vùng biển, đó là nguyên tắc nền tảng của trật tự quốc tế. Những âm mưu nhằm bác bỏ tự do hàng hải trên biển Đông tạo ra một thách thức nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế dựa trên nền tảng luật pháp (pháp trị) mà Mỹ và các đồng minh đã duy trì qua nhiều thập kỷ. Nếu các âm mưu đó thành công – tức là nếu hành động bắt nạt dai dẳng các nước khác lại giúp cho một quốc gia áp đặt được yêu sách chủ quyền của mình bằng vũ lực và biến biển Đông thành khu vực mà tàu quân sự cũng như tàu buôn của các nước khác, kể cả Mỹ, không đi lại tự do được – thì hậu quả sẽ là thảm khốc. Điều đó sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, làm suy yếu luật pháp quốc tế theo một cách mà những kẻ có dụng ý xấu đương nhiên sẽ đem áp dụng ở các nơi khác. Điều đó sẽ kích động các siêu cường đang nổi lên ở khắp nơi sử dụng vũ lực để cướp bóc những gì mà họ không thể có được bằng các phương thức hòa bình và hợp pháp”.

Phần cuối bài phát biểu, ông John McCain đưa ra một số đề xuất cho phía Mỹ, gồm sáu điểm căn bản. Theo ông, Mỹ cần theo đuổi một chính sách rõ ràng để các nước liên quan hiểu rõ lập trường của Mỹ (ông nhắc tới Philippines như một trường hợp đặc biệt, “đồng minh có hiệp ước” của Mỹ). Ông cũng cho rằng Mỹ nên hỗ trợ các đối tác ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp riêng của họ trên biển Đông, như là một cách duy trì sự gắn kết của ASEAN để đương đầu với Trung Quốc. “Trung Quốc muốn khai thác sự chia rẽ giữa các thành viên ASEAN – để họ chống đối nhau và để gây sức ép phục vụ ý đồ riêng của Trung Quốc” – John McCain khẳng định. Ngoài ra, ông cho rằng đã tới lúc Quốc hội Mỹ nhìn nhận một cách nghiêm túc đến Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, cần quyết định xem đã đến lúc ký phê chuẩn Công ước này chưa.

Hoàng Thư

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm