Từ bỏ sự khép kín

Cụ thể theo phát hiện của đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) thì ở thời điểm tháng 8-2012, cùng một chủng loại, cùng một địa phương nhưng giá thuốc (trúng thầu) lại có chênh lệch lớn, có nơi từ 20% đến 40%, có loại thuốc từ 1 đến 1,5 lần.Bà bộ trưởng bảo bà đã sẵn sàng “nhường” quyền quản lý giá thuốc sang bộ khác (Bộ Tài chính) trong dự thảo sửa đổi Luật Dược sắp tới vì không thể để “một bộ chuyên ngành vừa sản xuất, vừa kê thuốc lại đi quản lý giá”.

Thực tế là bà nói đúng. Dù là một cơ quan cấp cục nhưng theo Quyết định 53/2008 ngày 30-12-2008 của bộ trưởng Bộ Y tế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Quản lý Dược thì đây là cơ quan siêu quyền lực trong thị trường dịch vụ sức khỏe. Cụ thể trong 16 nhiệm vụ, quyền hạn của cục này thấy “khép kín” hành trình của viên thuốc, kể cả ở nhiều khâu chuyên môn của ngành khác là lưu hành, quảng cáo, xuất tiền ngân sách chi trả và kê đơn thuốc.

Chẳng hạn, cục này được giao chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế chuyên môn về dược kèm với quyền cấp, đình chỉ, thu hồi các loại giấy chứng nhận về nghiên cứu, sản xuất thuốc (như giấy GMP, GLP, GSP, GACP), giấy phép lưu hành thuốc; giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu thuốc… Cạnh đó, cục chủ trì quản lý luôn nội dung thông tin, quảng cáo thuốc; rồi thanh kiểm tra, quyết định việc đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc.

Đặc biệt lạ lùng là cục còn có chức năng chủ trì thực hiện việc quản lý nhà nước về giá thuốc và các biện pháp bình ổn thị trường thuốc! Hơn thế, việc can thiệp sâu vào việc kê đơn, kinh doanh thuốc còn được hiện thực hóa bằng nhiệm vụ “chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thực hiện công tác dược bệnh viện”.

Trong các nhiệm vụ nói trên thì việc quản lý nhà nước về giá là hệ trọng nhất với thị trường thuốc, vì nó không chỉ là việc xác định giá, bình ổn giá, tăng cung, điều chỉnh cầu… mà còn là sự thể hiện “bàn tay hữu hình” của Nhà nước đối với một thị trường đặc biệt, thị trường mà người mua không được phép từ chối. Vì thế dễ hiểu tại sao trong suốt gần 20 năm qua, việc đấu đá tranh giành quyền lực trong Vụ Quản lý Dược trước đây và Cục Quản lý Dược hiện tại luôn quyết liệt, tới mức mà một vụ trưởng vụ này phải tự sát sau khi gửi đi một văn bản giải trình về xét duyệt thuốc (năm 1993). Các nhà báo theo dõi ngành chẳng lạ gì thực tế này khi thi thoảng nhận cả xấp đơn tố giác kèm các tài liệu chi tiết liên quan đến nghiệp vụ “quản lý” thuốc.

Bởi thế việc “trao trả” quyền quản lý giá mà bà bộ trưởng nêu được xem là hành động “tự xử” chia sẻ quyền lực đầy dũng cảm đầu tiên mà nhiều đời bộ trưởng trước không dám đối diện.

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm