Ứng cử viên Nguyễn Bách Phúc: Tôi chỉ có tấm lòng khát khao cống hiến!

Đang đứng đầu hai tổ chức khoa học tập hợp hơn 300 nhà khoa học hàng đầu TP.HCM, ông tự tin tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII với mong muốn lớn nhất là: Đem kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong mấy chục năm làm khoa học của mình để cống hiến cho đất nước. Đó là TS Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện Điện-Điện tử và Tin học TP.HCM, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM.

Tin vào sự chọn lựa của cử tri

. Là một trong bốn người (trong tổng số 22 người tự ứng cử của TP) vượt qua ba vòng hiệp thương để có mặt trong danh sách bầu, đến lúc này niềm tin trong ông về việc mình sẽ được người dân bầu làm ĐBQH như thế nào?

+ Cử tri sẽ quyết định điều ấy bằng chính lá phiếu của mình. Còn nếu nói về năng lực, đạo đức thì tôi tự tin mình sẽ đảm đương được chức trách của người ĐBQH. Tôi lớn lên trong lòng dân tộc này, trưởng thành cùng bao thăng trầm, đi lên của đất nước. Tôi lại được Nhà nước đào tạo từ khi còn là một công nhân cho đến một tiến sĩ. Vì thế, tôi mong và nếu có một cơ hội, tôi muốn cống hiến những gì mình đã tích lũy được cho đất nước.

. Nhiều người cho rằng người tự ứng cử thường là “quân xanh”, ông nghĩ sao?

+ Hai tổ chức khoa học mà tôi tham gia hiện nay có trên 300 nhà khoa học hàng đầu TP, họ đã tín nhiệm bầu tôi đứng đầu, tín nhiệm tôi ra tự ứng cử ĐBQH. Trước nhân dân tôi chỉ có tấm lòng thành và khát khao cống hiến, lấy uy tín và năng lực làm trọng. Tôi tin cử tri luôn sáng suốt để lựa chọn người xứng đáng đại diện cho mình tham gia vào QH. Nói tôi không suy nghĩ gì cũng không đúng nhưng tôi tin mình, tin vào sự chọn lựa của cử tri và sẽ cố gắng hết lòng.

Ứng cử viên Nguyễn Bách Phúc: Tôi chỉ có tấm lòng khát khao cống hiến! ảnh 1

TS Nguyễn Bách Phúc (đeo kính) đang tham gia nghiên cứu mô hình hầm chứa xe ôtô tự động.

Khoa học phải trở thành động lực phát triển

. Chương trình hành động của ông là mở rộng hành lang pháp lý cho khoa học trở thành động lực phát triển. Nếu trở thành ĐBQH, ông sẽ kiến nghị cụ thể điều gì?

+ Trước hết là cần luật hóa về công tác tư vấn khoa học. Đây là lĩnh vực có tác động rất lớn đến phát triển nhưng lại chưa có luật nào điều chỉnh. Có một thực tiễn đáng suy nghĩ là, đối với các công trình lớn, ta hay đi tìm các tổ chức tư vấn nước ngoài. Các tổ chức nước ngoài lại phải thuê lại các nhà khoa học Việt Nam thực hiện. Trong khi đó, ta lại nói cần phát triển nội sinh. Những vấn đề này cần phải điều chỉnh thế nào để chúng ta phát huy vai trò thật sự của các nhà khoa học và các tổ chức khoa học trong nước?

Hay như công tác phản biện khoa học hiện nay cũng còn rất ít quy định cụ thể về phạm vi phản biện, đối tượng phản biện, trách nhiệm đơn vị phản biện, trách nhiệm tiếp nhận phản biện... Hoặc trong công tác đầu tư cho khoa học, để hạn chế việc đổ tiền cho những nghiên cứu không hiệu quả thì nên quy định: nghiên cứu nào không mang tính thực tiễn thì dẹp nó đi, ai chi vào những công trình không tốt thì bị phạt…

. Xin cảm ơn và chúc ông thành công.

Trưởng thành từ công nhân điện

TS Nguyễn Bách Phúc sinh năm 1944, là TS điện-năng lượng. Trưởng thành đi lên từ công nhân điện, bằng những nghiên cứu ứng dụng, ông dần trở thành kỹ sư điện. Ông từng là giảng viên khoa Điện-Điện Tử, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Năm 1994 được cử đi thực tập khoa học ở Liên Xô, làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1998. Ông là cộng tác viên khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.

Năm 2004 được bầu là người đứng đầu Viện Điện-Điện tử và Tin học TP.HCM. Năm 2007 là Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM. Ông đã lãnh đạo thực hiện nhiều công trình khoa học công nghệ, nhiều công trình tư vấn, phản biện… cho các doanh nghiệp, các cơ quan thuộc trung ương, TP.HCM và các tỉnh.

MINH CƯỜNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm