Ưu đãi đất đai, thuế, tín dụng như đối với khu vực công lập

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định như vậy tại hội nghị sơ kết Nghị quyết 05/2005/NQ-CP về đẩy mạnh các hoạt động XHH trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao khai mạc tại Hà Nội ngày 17-12 và sẽ kéo dài đến ngày 19-12.

Nhiều người muốn làm bệnh viện mà vướng đủ thứ...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội ý với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong giờ giải lao của hội nghị. Ảnh: NAM QUỐC.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội ý với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong giờ giải lao của hội nghị. Ảnh: NAM QUỐC.

Xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao được khởi xướng từ năm 1990 xuất phát từ thực tiễn đổi mới đất nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại 3 mục tiêu của XHH giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao:

Nhà nước giữ vai trò chủ yếu trong những lĩnh vực trên bằng cách tăng đầu tư (phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước) và đảm bảo hiệu quả đầu tư, quản lý tốt hơn.

Với giáo dục, mục tiêu chi ngân sách nhà nước đạt 20% vào năm 2010 nhưng năm 2007 đã đạt mục tiêu này, về đích trước 3 năm. Bên cạnh đầu tư của nhà nước, cần có cơ chế huy động mọi nguồn lực đầu tư (các thành phần kinh tế cũng như đóng góp của người dân) nhằm tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi từ các lĩnh vực này ngày càng tốt hơn. Và cuối cùng, người nghèo phải được hưởng những chính sách phúc lợi xã hội tốt hơn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Điểm lại những kết quả đạt được từ sau khi Nghị quyết 05 của Chính phủ ra đời, Thủ tướng khẳng định: XHH giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao đều được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực đóng góp vào thành tựu chung của phát triển kinh tế – xã hội.

Điển hình nhất là trong lĩnh vực giáo dục: đối với khối nhà trẻ ngoài công lập, có tới 75% kinh phí không phải của nhà nước; ở bậc THPT: 30% là do người học đóng góp và ở lĩnh vực giáo dục ĐH-CĐ, số sinh viên theo học các trường ngoài công lập chiếm 13%; hiện số cơ sở dạy nghề ngoài công lập cũng đã chiếm tới trên 57%.

Với ngành y tế, hiện cả nước đã có 30.000 cơ sở hành nghề y tế tư nhân, 66 bệnh viện tư đang hoạt động và 22 bệnh viện mới đang triển khai xây dựng. Mỗi năm, khu vực ngoài công lập này khám chữa bệnh cho 3 triệu người. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng “bật mí”, ông thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ ở một cơ sở tư nhân suốt mười mấy năm nay và cảm thấy rất hài lòng.

“Bên cạnh cái được, lẽ ra việc XHH còn huy động tốt hơn” – Thủ tướng bày tỏ. Công việc trước mắt của ngành y tế là giải quyết quá tải – nếu chỉ trông vào ngân sách nhà nước thì không làm được. Nhưng Thủ tướng cũng chỉ ra một thực tế: Hiện nay, rất nhiều người muốn đầu tư làm bệnh viện nhưng vướng đủ thứ; từ nhận thức đến cơ chế chính sách.

Ông nêu ví dụ, Bệnh viện Chợ Rẫy hiện đã hết chỗ nhưng số người muốn xin vào làm việc rất đông, vì sao không cho phép Chợ Rẫy liên kết với tư nhân xây dựng bệnh viện mới, Chợ Rẫy B chẳng hạn, nhằm tận dụng thương hiệu, nhân lực, cơ sở vật chất…, vừa tạo điều kiện cho người dân được khám chữa bệnh tốt hơn.

Đối với đào tạo nghề cũng vậy. Thủ tướng nói: Hiện nay, doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam không “kêu” cơ chế chính sách nữa mà đề nghị cải thiện việc đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Hiện cả nước mới có 30% lao động qua đào tạo, trong đó có 5% qua đào tạo ĐH-CĐ, 70% còn lại là lao động không có tay nghề, lương thấp, đời sống thấp nhưng nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì không biết đến bao giờ mới nâng được tỷ lệ lao động qua đào tạo lên.

Kiểm điểm lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam

Trao đổi với PV Báo SGGP bên lề hội nghị sơ kết xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) Nguyễn Danh Thái cho biết, sắp tới, Bộ sẽ họp kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Nội dung kiểm điểm sẽ xoay quanh kết quả tệ hại của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại SEA Games 24 vừa diễn ra ở Thái Lan.

Tại cuộc họp này, bên cạnh trách nhiệm của huấn luyện viên A. Ridle, Bộ sẽ xem xét trách nhiệm của từng lãnh đạo VFF đối với đội bóng và kết quả thi đấu của đội bóng. Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc nhở Bộ VHTT-DL tiến hành xã hội hóa thể thao cũng là để nâng cao chất lượng, thành tích của đội bóng. Đá như vừa rồi “mất khí thế quá”, Thủ tướng nói vui. Cả hội trường đã vỗ tay tán thưởng ý kiến của Thủ tướng.

Xóa bỏ rào cản xã hội hóa

Thế nhưng, thực tiễn cho thấy, dù đã được khởi động từ những năm 90 nhưng cơ chế, chính sách hiện nay chưa đáp ứng được với tư tưởng XHH và điều này đã trở thành rào cản lớn nhất trong việc huy động các nguồn lực của xã hội vào lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu dẫn chứng: Xây trường đại học công lập thì được nhà nước cấp đất, ngoài công lập thì không, bệnh viện cũng thế. Bắt nhà đầu tư phải tự lo đất để xây trường học, bệnh viện thì quả là một “thách đố” – Thủ tướng nhận định. Vì vậy, ông nêu gợi ý định hướng: Chúng ta thực hiện giải phóng mặt bằng “sạch” xây dựng các khu công nghiệp kêu gọi doanh nghiệp đầu tư với đủ các ưu đãi, tại sao không làm như vậy đối với các trường đại học?

Tương tự, chính sách thuế cũng phải khuyến khích người dân đầu tư tương tự như khuyến khích đầu tư công nghệ cao. “Vì vậy, trong sửa đổi cơ chế tới đây, có thể miễn giảm thuế vài năm cho trường ĐH tương tự như đối với đầu tư công nghệ cao và Bộ Tài chính phải công bố rõ mức miễn giảm đối với các trường dân lập (từ ĐH-CĐ, dạy nghề đến phổ thông)” – Thủ tướng nhấn mạnh. Riêng vốn tín dụng, nhà đầu tư sẽ được vay ưu đãi như đối với những chính sách khuyến khích dành cho ngành công nghiệp nặng.

Để đẩy mạnh XHH trong thời gian tới, Chính phủ sẽ sửa đổi nhiều chính sách liên quan đến đất đai, thuế và vốn tín dụng theo hướng dành ưu đãi tương tự như đối với khu vực công lập nhằm khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế. Thủ tướng chỉ đạo, đối với khu vực công lập, cần đổi mới cơ chế quản lý, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, phải gấp rút thay đổi cơ chế viện phí – học phí theo hướng người nghèo được miễn, giảm, đối tượng từ trung bình trở lên đóng góp phù hợp với điều kiện.

Cụ thể, đối với y tế, các đối tượng người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi đã được miễn viện phí, 20% đối tượng cận nghèo sắp tới cũng sẽ được hỗ trợ một phần viện phí; còn lại 28% đối tượng thu nhập cao sẽ thu viện phí để lấy nguồn đầu tư lại cơ sở vật chất khám chữa bệnh và trả lương cán bộ, nhân viên ngành y tế. Khu vực y tế công lập cũng thực hiện cơ chế linh hoạt để liên doanh, liên kết lập cơ sở mới nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tốt hơn; cho phép bác sĩ được đi làm thêm...

ĐINH LAN - NAM QUỐC - (Theo SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm