Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Xử tham nhũng chưa tới

Trong thời điểm này, nếu nói số lượng vụ án giảm là tham nhũng giảm thì khó thuyết phục. Nếu ta xử lý căng thì chắc là số vụ tăng chứ không giảm”. Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến đã bình luận như thế tại cuộc họp cho ý kiến về các báo cáo công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua (8-10).

Báo cáo của Chính phủ cho thấy trong năm qua, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng về hoàn thiện thể chế, pháp luật, về công tác giáo dục, tuyên truyền... Tuy nhiên, bản báo cáo cũng khẳng định: “Xét tổng thể, tình hình tham nhũng trong năm qua vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp”.

Giơ cao, đánh khẽ

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Lê Tiến Hào, cho biết: Trong năm qua đã có 40 trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự chín trường hợp, xử lý hành chính 31 trường hợp). Điển hình như vụ nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên trong vụ tham nhũng trong dự án xây dựng tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng trong vụ tham nhũng đất đai Quán Nam... “Vẫn còn tình trạng một số vụ việc đáng lẽ phải được xem xét, kết luận rõ trách nhiệm của người đứng đầu nhưng chưa được thực hiện hoặc việc xem xét, xử lý còn chậm, không triệt để” - ông Hào thừa nhận.

Đáng lưu ý là trong năm qua chỉ 379 vụ việc tham nhũng bị phát hiện (giảm 14% so với cùng kỳ năm trước), trong đó cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 284 vụ với 622 bị can về các tội tham nhũng (giảm 30% số vụ án và 25% số bị can so với cùng kỳ năm trước).

Ủy ban Tư pháp đã đề nghị Chính phủ đánh giá rõ tại sao trong tổng số 357 bị cáo bị xét xử về tội tham ô tài sản, có 17 trường hợp tòa tuyên không phạm tội, năm trường hợp miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, 139 bị cáo được hưởng án treo (37%). Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng các “con số biết nói” này sẽ làm dư luận đặt nghi vấn: Xử còn nhẹ tay hay có nguyên nhân gì chăng?

Trước hiện trạng cơ quan kiểm tra, thanh tra phát hiện nhiều vụ việc sai phạm với giá trị tài sản rất lớn, đề nghị xử lý kỷ luật 328 tập thể với 1.716 cá nhân nhưng chỉ 134 đối tượng bị kiến nghị xử lý hình sự, Ủy ban Tư pháp nhận định: “Liên quan đến tham nhũng thì thường là hành vi nguy hiểm cho xã hội ở mức độ cao. Việc xử lý như vậy là chưa nghiêm minh, chưa đáp ứng được nhu cầu giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm”.

Chậm xử lý các vụ án trọng điểm, tại sao ?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bà Lê Thị Thu Ba, nhấn mạnh: Nhiều vụ án tham nhũng, nhất là những vụ tham nhũng lớn được Ban chỉ đạo trung ương tập trung chỉ đạo hoặc những vụ án do cơ quan điều tra ở trung ương điều tra còn chậm, gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt là hai vụ còn lại trong tám vụ trọng điểm năm 2006 (vụ Nguyễn Đức Chi và vụ điện kế điện tư - PV) và hai vụ tách ra từ vụ PMU 18. Tình trạng này cần phải được phân tích, làm rõ nguyên nhân về nhiều mặt, như việc tổ chức thực hiện, năng lực và trách nhiệm cán bộ, việc chấp hành pháp luật trong tiến hành tố tụng.

Đồng tình với Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng bức xúc: Các vụ án này khi mới đưa ra thì rầm rộ lắm, Quốc hội thấy nóng bỏng, Chính phủ cũng bức xúc nhưng cứ xìu dần, bây giờ xuống dân hỏi thì không biết trả lời thế nào. “Trong năm có tới 17 trường hợp tòa tuyên không phạm tội, năm trường hợp được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này làm dư luận nghi ngờ. Lẽ ra anh điều tra, khởi tố phải làm kỹ lưỡng chứ không thể vì chống mà làm oan người vô tội. Đề nghị làm rõ những trường hợp này” - Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng kiến nghị.

“Đánh” phải có trọng điểm

Bà Trương Thị Mai đề nghị cần công khai danh mục trên để biết rõ địa chỉ ở những nơi có tham nhũng nghiêm trọng để từ đó tìm ra các giải pháp phòng, chống. “Không thể hô hào ầm ầm mà cần phải đánh vào những trọng điểm” - Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước lên tiếng. Theo ông Phước, những “vùng trọng điểm” cần đánh chính là những vùng động lực kinh tế, các dự án trọng điểm sử dụng ngân sách nhà nước, các khu vực dịch vụ công. Ông Phước nói rằng tại các khu trung tâm Hà Nội và TP.HCM có rất nhiều cán bộ ngành, địa phương “đổ xô về mua nhà đất, bỏ ra vài chục tỷ đồng mua một cái biệt thự là chuyện thường”. Bà Thu Ba thì nêu nghịch lý rằng: “Mặc dù có cơ chế kê khai tài sản và trả lương qua tài khoản nhưng với nền kinh tế tiền mặt như hiện nay, cán bộ tham nhũng thoải mái mua vàng về cất giấu!”.

15 vụ án nghiêm trọng đang được tập trung xử lý

1. Vụ đất Quán Nam, Hải Phòng.

2. Vụ án xảy ra tại Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ Agribank Việt Nam.

3. Vụ tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

4. Vụ án Thiên Lợi Hòa.

5. Vụ án tại Công ty Vinaconex 10, Đà Nẵng.

6. Vụ đề án 112.

7. Vụ án Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp.

8. Vụ án Tổng Công ty Xây dựng Miền Trung - Bộ Xây dựng.

9. Vụ án Tổng Công ty Mía đường II.

10. Vụ án Nông trường sông Hậu.

11. Vụ án tại Ngân hàng Đầu tư Chi nhánh Đông Đô, Hà Nội.

12. Vụ than tại Quảng Ninh.

13. Vụ án tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội.

14. Vụ Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam.

15. Vụ tham ô tại Báo Người Cao Tuổi.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm