Vẫn tranh cãi việc bảo hiểm cho vàng, ngoại tệ

Ngày 11-11, QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi. Ý kiến của nhiều đại biểu (ĐB) vẫn trái ngược nhau về việc có nên bảo hiểm tiền gửi bằng vàng và ngoại tệ hay không và mức phí bảo hiểm là bao nhiêu.

Bên nói cần, bên bảo không

Nhiều ĐB cho rằng nên mở rộng phạm vi bảo hiểm tiền gửi đối với vàng và ngoại tệ. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), tình trạng vàng, ngoại tệ hiện nay đang tích lũy trong dân hoặc trôi nổi trên thị trường rất lớn. Nhà nước cần có chính sách bảo hiểm đối với loại tiền gửi này để thu hút tiền gửi bằng ngoại tệ, vàng. ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cũng phân tích: “Nếu cho rằng bảo hiểm cho cả tiền gửi bằng đôla sẽ cổ súy cho việc cất trữ đôla thì cũng không hẳn. Bởi một khi sức mua VNĐ ổn định, uy tín được nâng cao, người dân tin tưởng vào đồng VN thì lập tức việc cất giữ bằng các loại ngoại tệ cũng như vàng sẽ giảm”.

ĐB Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp) thì nghi ngại hiện nay lãi suất gửi ngoại tệ thấp hơn tiền đồng rất nhiều, nếu không được bảo hiểm nữa thì e người dân sẽ rút ngoại tệ ra. “Ngoại tệ, nguồn kiều hối gửi về VN sẽ hạn chế gửi vào các tổ chức tín dụng. Do đó tôi đề nghị QH cần cân nhắc những ý kiến trên để khi luật ban hành sẽ sát thực tế hơn” - ông Huy nói.

Ngược lại, ĐB Phan Văn Quý (Nghệ An) cho rằng trên thế giới, các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia… đều chỉ bảo hiểm cho đồng nội tệ. Như vậy, quy định trong dự luật là hoàn toàn phù hợp với chính sách quản lý ngoại hối của Nhà nước ta cũng như thông lệ quốc tế. ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng không nhất trí với phân tích của một số ĐB cho rằng nên bảo hiểm đối với ngoại tệ và vàng. “Tôi suy nghĩ rất đơn giản rằng các nước có nền kinh tế phát triển, có hệ thống ngân hàng phát triển rất nhiều năm, rất vững chắc nhưng cũng không bảo hiểm đối với ngoại tệ và kim loại quý. Vậy thì đối với VN, trong điều kiện kinh tế còn chưa phát triển, hệ thống ngân hàng cũng chưa chắc bằng họ thì có nên bảo hiểm đối với hai loại này không?” - ông Sơn lập luận.

Vẫn tranh cãi việc bảo hiểm cho vàng, ngoại tệ ảnh 1

Việc có nên bảo hiểm tiền gửi bằang vàng và ngoại tệ hay không còn nhiều ý kiến tranh cãi. Ảnh: HTD

Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm để tạo niềm tin

Theo ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội), phí bảo hiểm tiền gửi của ta hiện nay không phải là thấp. “Tuy nhiên, dự luật vẫn duy trì mức phí đồng hạng cho tất cả các ngân hàng là chưa hợp lý. Trong thời gian qua có một nghịch lý, đó là các ngân hàng nhỏ thanh khoản kém vẫn luôn được tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Nhà nước với cùng một chế độ như các ngân hàng thương mại hoạt động tốt. Đa số người dân gửi tiền không biết được rằng khi ngân hàng đó phá sản thì mức bồi thường chỉ tối đa là 50 triệu đồng. Trong bối cảnh như vậy, nếu vẫn áp dụng phí bảo hiểm đồng hạng thì mục tiêu lành mạnh hóa hệ thống tổ chức tín dụng rất khó đạt được” - ông Hùng cho hay.

Ngược lại, ĐB Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp) cho rằng nếu gửi từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng mà khi gặp rủi ro chỉ được chi trả tối đa 50 triệu đồng thì quá ít. Mức này chỉ bằng khoảng 2,5 lần so với thu nhập bình quân đầu người ở nước ta. “Tôi cũng đồng tình với những ĐB cho rằng nên tăng số tiền chi trả ít phải từ năm lần trở lên so với thu nhập bình quân đầu người/một năm, tương đương 150 triệu đồng trở lên thì mới tương xứng” - ĐB Huy đề nghị.

Bổ sung, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho hay trong những năm gần đây, một số nước nâng rất cao mức trả tiền bảo hiểm, như Mỹ tăng lên năm lần, từ 50.000 USD lên 250.000 USD, có nước còn tăng một lúc hàng chục lần như Indonesia. “Người ta làm chuyện này là vì khi nâng mức chi trả bảo hiểm tiền gửi lên sẽ tạo niềm tin cho người gửi tiền” - ông Lịch giải thích và cho rằng mức chi trả bảo hiểm tăng lên thành 150 triệu, 200 triệu đồng như nhiều ĐB đề xuất không ảnh hưởng gì quỹ bảo hiểm tiền gửi mà lại tăng niềm tin cho những người gửi tiền.

QH không giám sát về giao thông

Sáng 11-11, gần 85% ĐBQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2012. Theo đó, đề xuất của nhiều ĐBQH về việc QH giám sát tối cao về vấn đề giao thông đã không được tiếp thu. Theo nghị quyết, tại kỳ họp thứ 3, QH sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tại kỳ họp thứ 4, QH sẽ giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính.

THANH LƯU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm