‘Vào Quốc hội để cống hiến chứ đâu phải làm ăn’

Cuối tuần trước, Quốc hội (QH) đã miễn nhiệm tư cách đại biểu (ĐB) QH với bà Châu Thị Thu Nga. Sai phạm của bà khá rõ ràng, đến mức phải khởi tố hình sự, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, thủ tục để miễn nhiệm không đơn giản chút nào, với 15 bước công việc, trong đó riêng kỳ họp này phải mất hai buổi làm việc với 10 thủ tục để đi đến quyết định miễn nhiệm tư cách ĐBQH chính thức với bà Nga. Tại sao phải như vậy? Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng cho hay: Nghị sĩ thế giới có hai quyền đặc biệt. Đặc quyền không phải chịu trách nhiệm hình sự, dân sự nào về những phát biểu của mình trong tư cách ĐBQH, có thể phê phán người cụ thể, chính sách của Chính phủ mà không phải chịu trách nhiệm với bất cứ hậu quả nào từ lời nói đó. Thứ nữa là quyền miễn trừ, kể cả khi có vi phạm hình sự thật thì cũng không thể bắt, khám xét nếu chưa có sự đồng ý của cơ quan Thường trực QH; nếu phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải báo cáo để cơ quan Thường trực QH xem xét quyết định.

Ở ta, Hiến pháp 1946 quy định khá rõ cả hai quyền này. Nhưng các hiến pháp sau này thì ĐBQH không có đặc quyền nữa, mà chỉ có quyền miễn trừ mang tính chất thủ tục. Thực tế đã có ĐBQH bị doanh nghiệp kiện vì cho rằng phát biểu của ông ấy tại QH làm mất uy tín doanh nghiệp, làm mất hợp đồng làm ăn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Lợi dụng quyền miễn trừ để né tránh?

. Phóng viên: Như trường hợp bà Châu Thị Thu Nga, quyền miễn trừ ấy được áp dụng như thế nào?

+ Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Áp dụng bằng thủ tục thôi. Việc khởi tố, bắt giữ, truy tố một ĐBQH như bà Nga đòi hỏi thủ tục rất chặt chẽ. Đầu tiên, khi cơ quan điều tra khởi tố hình sự, bắt tạm giam thì đã phải báo cáo và phải được Ủy ban Thường vụ QH đồng ý mới làm được. Thông thường những việc như vậy đòi hỏi chứng cứ phải rất rõ ràng, chứ nếu không sẽ khó được Thường vụ QH chấp nhận.

. Vụ bà Nga lùm xùm lâu rồi nhưng mãi đầu năm Bộ Công an mới khởi tố hình sự được. Sự kéo dài ấy có phần do quyền miễn trừ của ĐBQH?

+ Đúng. Rõ ràng nếu là một doanh nhân bình thường thì quy trình đã nhanh hơn. Nhưng doanh nhân đó là ĐBQH, có quyền miễn trừ thì không phải dễ chút nào. Với bà Nga, lãnh đạo Hà Nội còn đánh giá là bà ấy đã lợi dụng quyền miễn trừ né tránh làm việc với các cơ quan pháp luật.

Bà Châu Thị Thu Nga trong một lần phát biểu tại nghị trường Quốc hội. Ảnh: CTV

Đừng mang toan tính cá nhân vào QH

. Ngoài trường hợp bà Nga, các khóa QH trước đều đã có những trường hợp ĐB vi phạm pháp luật đến mức bị khởi tố, truy tố hình sự. Tại sao vậy, thưa ông?

+ Thực chất là 10 ngón tay còn có ngón dài, ngón ngắn. 500 ĐBQH chắc chắn cũng có người thế này, thế khác. Quy trình hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ứng cử, rồi thủ tục bầu cử làm rất kỹ. Nhưng thực chất trong những vấn đề kinh doanh hay đời tư thì hàng xóm láng giềng, cơ quan đoàn thể nơi người đó công tác có phải bao giờ cũng nắm được mọi thông tin đâu. Nhiều khi việc vi phạm thòi ra thì mọi người mới biết.

. Liệu quyền miễn trừ đó có thể dẫn tới kỳ vọng cho người ứng cử vào QH là vào đó dễ làm ăn hơn, hay yên tâm hơn trước các vấn đề pháp luật?

+ Đúng là không có căn cứ nào để bác bỏ những suy luận như vậy. Nhưng tất cả ĐBQH đều suy nghĩ, động cơ như vậy thì chắc chắn không phải rồi.

Bản chất đúng đắn của người ĐB dân cử là vào đó để cống hiến, làm việc với sự thôi thúc nội tâm. Công việc người ĐB đầy khó khăn, thử thách, là dấn thân và bản chất của nó là không mang lại thu nhập.

Ở ta, số ĐBQH muốn phụng sự, dấn thân chắc nhiều, chưa kể một số không nhỏ là vào QH theo sự phân công của tổ chức. Tuy nhiên, thực tế hoạt động QH có thể gây thu hút, hấp dẫn bằng cả những lợi thế khác. Lợi thế đầu tiên có thể khiến nhiều người muốn vào QH là điều kiện để mở rộng quan hệ. Có ai lại từ chối tiếp ĐBQH đâu! ĐBQH có vị thế chính trị rất cao, được hệ thống tôn vinh nên anh vào đó thì cũng dễ quan hệ, dễ thúc đẩy các công việc của cá nhân mình hơn. Rồi quyền miễn trừ của anh, có khi không lớn lắm ở các thủ tục luật định nhưng lại lớn ở chỗ khác - các cơ quan công quyền thường ngại đụng chạm ĐBQH. Có thể đó là lợi ích, là động lực thúc đẩy ai đó ứng cử vào QH chăng?

Mất tín nhiệm của cử tri thì phải bãi miễn

. Hầu hết ĐBQH bị miễn nhiệm đều do vi phạm hình sự khá rõ ràng. Vậy tại sao lại phải thủ tục rườm rà như vậy?

+ ĐBQH là người được dân ủy quyền. “Thủ trưởng” của ĐBQH về nguyên tắc là cử tri và chỉ cử tri mới có tư cách, có đạo lý để bãi miễn người mình bầu ra. Nhưng thủ tục để cử tri thực hiện quyền bãi miễn ĐBQH lại rất tốn kém, phức tạp. Cho nên pháp luật của ta lựa chọn cách cử tri ủy quyền cho QH thực hiện bãi nhiệm, miễn nhiệm ĐBQH. Không thực hiện quyền dân chủ trực tiếp mà phải qua ủy quyền, thủ tục phải chặt chẽ là đương nhiên.

. Nhưng liệu có cách nào đơn giản hơn không?

+ Pháp luật hiện có một cách là Ủy ban Thường vụ QH cứ tạm đình chỉ tư cách ĐBQH đã. Mọi việc điều tra, truy tố, xét xử cứ để các cơ quan tư pháp làm. Khi nào tòa tuyên có tội và bản án có hiệu lực thì tự động lúc đó mất tư cách ĐBQH, không phải thủ tục phức tạp gì nữa. Như trường hợp bà Nga, Ủy ban Thường vụ QH đã làm như vậy, ra quyết định tạm đình chỉ tư cách ĐBQH.

Thực tình, đến lúc này vẫn chưa thể nói bà Nga có tội được vì tòa chưa xử. Nhưng vụ việc đã làm mất uy tín của bà ấy trước cử tri. Và do đó QH mới tiến hành thêm bước miễn nhiệm - với lý do ĐB mất tín nhiệm của cử tri chứ không phải do có tội.

. Xin cám ơn ông.

Tôi cho rằng đây là điều đáng tiếc. Vì khi đã là ĐBQH thì phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Anh chính là người tham gia, rồi ấn nút để thông qua luật mà lại vi phạm pháp luật thì không thể chấp nhận được.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương trao đổi với báo chí về sự vụ bà Châu Thị Thu Nga, bên hành lang QH ngày 15-6

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm