Vì sao người dân ít tố cáo tham nhũng?

Sáng 31-3, kết quả điều tra chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, thành ở Việt Nam (PAPI) năm 2010 đã được MTTQ VN cùng với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố. Trong số những kết quả đó, số liệu khảo sát về kiểm soát tham nhũng mang lại nhiều điều đáng suy nghĩ.

Trả lời câu hỏi hiện tượng tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân như thế nào, chỉ có 338/5.568 người dân được hỏi thừa nhận có bị ảnh hưởng từ những hành vi tham nhũng. Và có đến 90% người trả lời bị ảnh hưởng bởi tham nhũng lựa chọn việc “không tố cáo hành vi tham nhũng”.

Lý giải về con số 90% này, PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc CECODES, cho rằng: “Một thực tế hiện nay là người tố cáo như kẹt giữa hai làn đạn, tố cáo lên có khi lại nguy. Hơn nữa, con số này cũng thể hiện người ta muốn sống chung với hối lộ, tham nhũng”.

Tố cáo chẳng ích lợi gì

Lý do vì sao người dân không tố cáo tham nhũng? Theo bảng phân tích của nhóm khảo sát, trong số những người trả lời có 156 người cho rằng tố cáo tham nhũng không mang lại lợi ích gì; 106 người không thể giải thích vì sao họ không có hành động gì hoặc từ chối trả lời; 34 người sợ bị trả thù; một số khác viện lý do quy trình thủ tục tố cáo nhiêu khê hoặc không có thông tin gì về quy trình tố cáo.

Vì sao người dân ít tố cáo tham nhũng? ảnh 1

Trong sáu nhóm nội dung khảo sát thì lĩnh vực thủ tục hành chính được cải thiện đáng kể. Ảnh: TH

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, phân tích: Tham nhũng mà người dân gọi hiện nay liên quan đến tội nhận hội lộ và đưa hối lộ. Theo Bộ luật Hình sự, nếu xử lý hối lộ thì đồng thời xử lý cả người nhận và đưa hối lộ. Cho nên việc người đưa hối lộ tự giác tố cáo là rất ít mặc dù đã có chính sách giảm nhẹ nếu khai báo trước khi bị phát hiện nhưng thực ra không hiệu quả.

“Tôi đã nói rất nhiều lần trước Quốc hội là trong giai đoạn hiện nay, đối với những hành vi đưa hối lộ nên miễn trách nhiệm hình sự hoàn toàn, trừ những trường hợp nằm trong đường dây, có tổ chức lớn. Theo tôi từ kết quả điều tra này, chúng ta nên nghĩ đến việc hoạch định chính sách bằng các điều chỉnh một số quy định của BLHS về vấn đề này” - bà Nga nhấn mạnh.

Đi xin việc phải quen biết, lót tay

Ông Dinh cho biết, qua kết quả điều tra chỉ số PAPI năm 2010 về nội dung kiểm soát tham nhũng cho thấy tham nhũng vặt có mặt ở khắp nơi. Ví dụ như muốn làm sổ đỏ phải có một bữa nhậu hay vài trăm, vài triệu đồng thì mới xong. Tình trạng này diễn ra từ Bắc chí Nam, ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực đất đai là nghiêm trọng nhất.

Ngoài ra, một vấn đề nổi cộm trong kiểm soát tham nhũng là việc cậy mối quan hệ thân quen khi xin việc vào các vị trí có tầm ảnh hưởng hay ổn định trong khu vực nhà nước. Chỉ có 18%-19% người phủ nhận tầm quan trọng của việc quen thân khi xin việc vào tất cả các vị trí trừ giáo viên. So sánh giữa các vùng miền thì khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ít chịu ảnh hưởng từ mối quan hệ thân quen khi xin việc.

Việc lót tay để tìm việc trong các cơ quan nhà nước cũng có kết quả tương tự, chỉ 33% người trả lời phủ nhận việc này lót tay để xin việc trong cơ quan nhà nước và tỉ lệ này đạt kết quả cao hơn ở các tỉnh ĐBSCL. Cụ thể Long An 67% người cho rằng hối lộ để xin vào các cơ quan nhà nước không quan trọng, TP.HCM cũng đạt tỉ lệ 60%... Trong khi đó, người được hỏi tại các tỉnh như Hà Nam, Nam Định cho rằng việc hối lộ khi xin việc là cực kỳ quan trọng, chỉ có 5% số người phủ nhận việc này.

Một điều đáng lưu ý là 12/15 tỉnh, thành được người dân chấm điểm cao về kiểm soát tham nhũng là các tỉnh, thành phía Nam. Trong đó, TP.HCM là địa phương có kết quả tốt nhất.

Thông tin này rất quan trọng

Đối với đại biểu Quốc hội, những thông từ phía người dân là hết sức quan trọng. Tôi cho rằng những con số qua điều tra chỉ số PAPI là những con số biết nói, là những kết quả quan trọng bước đầu. Tác dụng thứ nhất của chỉ số này là đánh giá đối với việc tổ chức thực hiện các văn bản hiện hành qua cảm nhận của người dân. Thứ hai là thêm thông tin để điều chỉnh chính sách vĩ mô. Ví dụ như ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng lập ra là để người dân giám sát từ cấp cơ sở nhưng người dân đánh giá hiệu quả hoạt động chưa tốt, nhiều người không biết đến thì bản thân tôi sẽ tự hỏi lý do vì sao để từ đó tìm hiểu thêm và có những kiến nghị điều chỉnh hợp lý.

Bà LÊ THỊ NGA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Sẽ chấm điểm dịch vụ công mỗi năm

Đây là lần đầu tiên chỉ số PAPI được công bố dựa trên sáu nhóm nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính; cung ứng dịch vụ công.

Năm 2009, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thí điểm ở ba tỉnh, thành đại diện cho ba miền (Phú Thọ, Đà Nẵng và Đồng Tháp) để tham khảo. Năm 2010, việc điều tra khảo sát mở rộng ở 30 tỉnh, thành với sự tham gia đánh giá 5.568 người dân ở mọi tầng lớp. Dự kiến năm 2011 sẽ mở rộng điều tra ở 63 tỉnh, thành trong cả nước và sau đó chỉ số PAPI sẽ được công bố thường xuyên hằng năm như một sự chấm điểm của người dân về các dịch vụ công của các địa phương.

Ông THANG VĂN PHÚC, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm